Bánh đa vừng lên đường xuất ngoại
HTX Nguyên Lâm tập trung đóng gói sản phẩm để kịp tiến độ giao lô hàng đầu tiên sang thị trường Nhật Bản.
Anh Lê Văn Duẩn phấn khởi, đầu tháng 11 này, HTX sẽ xuất lô hàng đầu tiên là 64.000 chiếc bánh đa vừng sang thị trường Nhật Bản. Hiện đơn vị đang tập trung nhân lực để sản xuất, đóng gói sản phẩm theo yêu cầu đối tác.
Theo anh Duẩn, thị trường Nhật Bản đòi hỏi sản phẩm rất khắt khe, từ truy xuất nguyên liệu đầu vào, chất lượng, mẫu mã, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, quy trình sản xuất bánh đa vừng của HTX đều được đối tác kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm một cách chặt chẽ.
Anh Lê Văn Duẩn và sản phẩm bánh đa vừng của HTX Nguyên Lâm.
“Để tìm được đối tác xuất hàng ở thị trường Nhật Bản, tôi đã mất nhiều thời gian lên mạng xã hội và kết nối thông qua bạn bè đang học tập, làm việc ở đất nước này. Qua đó, tôi cũng tích cực tiếp thị sản phẩm của mình và được các đối tác quan tâm. Vừa qua, sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm đã lọt “mắt xanh” đối tác với lô hàng đầu tiên với tổng giá trị hơn 230 triệu đồng” – anh Duẩn cho hay.
Quy trình đóng gói sản phẩm bằng máy gia nhiệt chuyên nghiệp.
Cũng theo anh Duẩn, sản xuất bánh đa vừng là nghề truyền thống của gia đình từ lâu đời và sản phẩm chỉ mới tiêu thụ trong địa bàn huyện Kỳ Anh. Tuy nhiên, cơ hội thực sự rộng mở hơn khi năm 2020, cơ sở tham đăng ký tham gia Chương trình OCOP và đạt chuẩn 3 sao.
Từ khi tham gia OCOP, cơ sở mới thực sự chú trọng hơn đến quy trình sản xuất, bao bì nhãn mác và khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Từ đó, sản phẩm được sản xuất ngày càng nhiều hơn, thị trường cũng vươn ra ngoại tỉnh. Nhờ vậy, HTX ngày càng “ăn nên làm ra”, doanh thu năm 2020 đạt 2,7 tỷ đồng và năm 2021 dự kiến đạt 3,5 tỷ đồng; góp phần tạo việc làm cho 15 lao động địa phương với thu nhập trung bình 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Lô hàng xuất ngoại có bao bì song song hai ngôn ngữ Việt - Nhật
“Sau thị trường Nhật Bản, thời gian tới, thông qua đối tác xuất khẩu, chúng tôi sẽ tiếp cận thị trường Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Âu. Với tiềm năng thị trường nước ngoài đang rất lớn, chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất, liên kết với các hộ sản xuất để đáp ứng đủ nguồn hàng cho đối tác” – anh Lê Văn Duẩn bày tỏ.
Thức quà đậm đà vị quê
Sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm chất lượng, đóng gói đẹp mắt thu hút người tiêu dùng.
Sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm được kế thừa truyền thống hàng trăm năm với nguyên liệu chính để làm nên sản phẩm là gạo và vừng. Để làm nên chiếc bánh, HTX Nguyên Lâm đã tuân thủ quy trình tuyển chọn khá nghiêm ngặt. Gạo, vừng được lựa chọn từ những cánh đồng hữu cơ, đảm bảo không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sinh trưởng và phát triển.
Để có được một chiếc bánh đa vừng ngon đòi hỏi rất nhiều công đoạn. Gạo sau khi được lựa chọn sẽ được ngâm nước cho đến khi có vị chua và căng tròn rồi vớt ra để ráo. Sau đó, tiến hành xay gạo thật nhuyễn và hòa với nước để tạo thành hỗn hợp bột mịn.
Bánh đa sau khi tráng được phơi khô bằng ánh nắng tự nhiên
Ngoài nguyên liệu chính là gạo và vừng được xay trộn với tỷ lệ nhất định, bánh đa Nguyên Lâm tạo nên sự khác biệt bởi một số gia vị đi kèm như: muối, tỏi, tiêu trộn đều với gạo, vừng trước khi tráng bánh.
Là công đoạn quan trọng nhất để cho ra sản phẩm, việc tráng bánh được HTX Nguyên Lâm thực hiện hoàn toàn thủ công với sự tập trung cao độ của các nhân công. Bằng đôi bàn tay khéo léo cùng sự tỉ mỉ, cẩn thận, công đoạn này phải thật sự cẩn thận để tránh làm bánh bị rách hoặc méo.
Thành phẩm cuối cùng chính là bánh tráng sau khi phơi khô sẽ được nướng chín qua hệ thống sấy tự động để đảm bảo độ chín, giòn đều.
Sau khi phơi khô, bánh tráng được nướng chín qua hệ thống sấy tự động.
Ngoài việc sử dụng như một món ăn vặt thông thường thì bánh đa vừng Nguyên Lâm cũng là một trong những thực phẩm dinh dưỡng bằng nguyên liệu tự nhiên. Ngoài sử dụng trực tiếp, sản phẩm này có thể ăn kèm với những thực phẩm khác như: bánh mướt, hến xào, lươn xào...
Ông Lê Xuân Tùng – Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: “Sau khi đạt chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm cũng như nhiều sản phẩm OCOP khác được khẳng định về chất lượng và được giới thiệu, quảng bá trên các kênh thông tin chính thống của tỉnh. Điều này thể hiện vai trò kiến tạo, hỗ trợ của Nhà nước đối với việc phát triển sản phẩm OCOP. Việc tiếp cận, đưa sản phẩm bánh đa vừng vào thị trường Nhật Bản đánh dấu bước tiến quan trọng không chỉ riêng đối với HTX Nguyên Lâm mà còn là tiền đề, hướng mở để nhiều cơ sở sản xuất có các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của Hà Tĩnh học tập, tìm cơ hội cho sản phẩm của mình vươn xa.”
Theo Bá Tân - Lê Tuấn/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã