Tỉnh Sơn La Phấn đấu đến năm 2025 có thêm 2 - 3 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, với những tiểu vùng khí hậu khác nhau nên Sơn La có nhiều sản phẩm đặc sản, đặc hữu gắn với văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc trên địa bàn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từ đó phát triển sản phẩm mang thương hiệu OCOP. Để triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo, tạo bước đột phá ngay từ nhóm sản phẩm đầu tiên và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.
Những năm qua, tỉnh Sơn La coi sản phẩm OCOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và nâng cao giá trị gia tăng, góp phần xây dựng dựng nông thôn mới bền vững. Đến nay, qua 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, UBND tỉnh Sơn La đã xếp hạng, cấp giấy chứng nhận cho 85 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, có 29 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao và 56 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.
Tỉnh đã tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc… đảm bảo theo quy định. Hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu tạo lập, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững.
Cùng với đó, tỉnh Sơn La đã thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai chương trình đến đội ngũ cán bộ các cấp và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.
Tỉnh Sơn La xác định tiếp tục phát triển mỗi xã một sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP có vị trí quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ với công nghiệp hóa, đô thị hóa, đặc biệt với thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm phù hợp, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu sản xuất tại địa phương; tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng riêng. Cùng với đó tỉnh xây dựng và khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất tham gia đầu tư sản xuất các sản phẩm trên địa bàn.
Phấn đấu đến năm 2025, Sơn La có thêm 2 - 3 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia; 100 - 300 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; hoàn thành ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Sơn La theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, qua đó nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Theo Lê Hồng/sonla.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã