Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của bò để đảm bảo chất lượng sữa Ảnh: MF
Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 12/2016 đến tháng 4/2017 tại HTX Đầu tư Nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì, thuộc địa bàn xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Lựa chọn 10 bò sữa giống HF có khối lượng cơ thể 466,1 ± 5,9 kg (TB ± SD); số ngày cho sữa 133,0 ± 7,4 ngày; khối lượng sữa 19,9 ± 0,9 kg/ngày. Trong quá trình thí nghiệm, sử dụng chế phẩm BioPig được sản xuất tại Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hà Anh. Thành phần của chế phẩm là axit cholic và tá dược. Thí nghiệm được bố trí theo mô hình ngẫu nhiên hoàn toàn. Gia súc được chọn đồng đều về đồng đều về khối lượng cơ thể, số ngày cho sữa, khối lượng sữa. Bò được tẩy ký sinh trùng, đánh số thẻ tai và nuôi riêng từng cá thể. Thời gian thí nghiệm trong 45 ngày.
Nguyên liệu thức ăn được cân ở dạng sử dụng; Chế phẩm sử dụng với lượng 2 g/kg thức ăn tinh; Thức ăn tinh là hỗn hợp gồm cám ngô, cám gạo, cám mỳ, bột cá, premix vitamin. Bò được nhốt riêng mỗi khi cho ăn và được cho ăn hai lần vào buổi sáng (6 giờ) và buổi chiều (16 giờ), nước uống cung cấp tự do.
Phương pháp xác định thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng: Mẫu thức ăn gia súc lấy theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4325 - 2007. Các chỉ tiêu phân tích bao gồm: Vật chất khô (VCK), CP, lipid, NDF, ADF. Vật chất khô và khoáng tổng số được phân tích theo các tiêu chuẩn tương ứng TCVN-4326-2001, TCVN-4328-2007, TCVN-4327-2007. NDF và ADF được phân tích theo của Goering và Van Soest (1970). Giá trị năng lượng thuần cho tiết sữa (NEL): Được tính toán theo phương pháp NRC (1998). NEL (Kcal/kg) = 0,0245 * TDN - 0,12. TDN (% VCK thức ăn) tính theo Wardeh (1981).
Lượng thức ăn thu nhận hàng ngày: Bò được nuôi nhốt trong thời gian 45 ngày. Cho ăn khẩu phần thí nghiệm 2 lần/ngày vào 6 giờ sáng và 16 giờ chiều. Trong 15 ngày đầu tiên, đây là giai đoạn nuôi thích nghi và bò được cho ăn tự do khẩu phần thí nghiệm. Từ ngày 16 đến ngày 45 của thí nghiệm, bò được cho ăn 95% khối lượng thức ăn so với 15 ngày đầu tiên. Thức ăn thừa được thu 2 lần/ngày, trước giờ cho ăn buổi sáng và buổi chiều. Lượng thức ăn ăn vào của ngày thứ 16 đến ngày thứ 45 của thí nghiệm được sử dụng để tính toán thống kê. Cỏ voi và thức ăn tinh được lấy mẫu 1 lần/tuần, bảo quản ở nhiệt độ -200C. Sau thời gian thí nghiệm, cỏ voi, thức ăn tinh được trộn đều, lấy mẫu, sấy khô tại nhiệt độ 600C, sau đó được nghiền nhỏ 1 mm trước khi phân tích các chỉ tiêu VCK, chất hữu cơ, CP, NDF, ADF, mỡ thô.
Xác định sản lượng, chất lượng sữa: Khối lượng sữa được thu gom và ghi chép 2 lần/ngày vào 6 giờ sáng và 16 giờ chiều cho từng con bò. Một mẫu sữa khoảng 10 mL của từng con bò được lấy vào một ống có chứa NaN3 (sodium aside, 5 µL) để bảo quản và phân tích mỡ sữa, protein sữa. Mỡ sữa và protein sữa được xác định theo TCVN 6509:1999.
Tiêu tốn thức ăn cho 1 kg sữa: Chi phí thức ăn/kg sữa = (chi phí cỏ voi + chi phí thức ăn tinh + chi phí chế phẩm Biopig)/(sản lượng sữa, kg).
Số liệu được phân tích theo mô hình phân tích phương sai một nhân tố (ANOVA) bằng phần mềm thống kê Minitab 16. Phép thử Tukey test dùng so sánh sự sai khác giữa các giá trị trung bình với mức ý nghĩa P < 0,05.
Ảnh hưởng của việc bổ sung chế phẩm axit cholic
Kết quả ở bảng 3 cho thấy, NEL của lô bổ sung Biopig cao hơn so với lô không bổ sung Biopig, tuy nhiên không có sự sai khác thống kê. Như vậy, việc bổ sung axit cholic không ảnh hưởng đến lượng thức ăn thu nhận của bò sữa. Tuy nhiên, khẩu phần thí nghiệm trên đã đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của bò sữa thí nghiệm. Theo báo cáo của Đinh Văn Cải (2014) cho thấy nhu cầu ăn hàng ngày của bò sữa lai HF với khối lượng cơ thể 460 kg và khối lượng sữa 20 (kg/ngày) là vật chất khô = 14,4 kg/ngày, NEL = 21.660 Kcal/ngày, CP = 2,1 kg/ngày.
Qua bảng 4 cho thấy, khối lượng sữa và khối lượng sữa quy chuẩn (kg/ngày) của bò ở lô bổ sung Biopig cao hơn so với bò ở lô không bổ sung Biopig, nhưng không có ý nghĩa thống kê (P > 0,05). Mặc dù, tỷ lệ protein sữa của bò ở lô bổ sung Biopig và lô không bổ sung Biopig là tương đương nhau (P > 0,05). Tuy nhiên, tỷ lệ mỡ sữa của bò ở lô bổ sung Biopig là cao hơn so với bò ở lô không bổ sung Biopig (P < 0,001). Tỷ lệ mỡ sữa đã tăng lên khi bò được bổ sung Biopig, điều này có thể được giải thích axit cholic trong Biopig đã làm tăng hiệu quả sử dụng mỡ và các axít béo tự do trong khẩu phần của bò sữa (Atteh và Leeson, 1984). Axit cholic là một những thành phần của axit mật, có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa, hấp thu mỡ và các chất tan trong dầu mỡ như Vitamin A, D, E. Gần đây, một số tác giả báo cáo rằng, các axit mật có liên quan đến năng suất sinh sản của bò: các phân tử axit mật được tìm thấy trong dịch noãng nang của bò (Copple và Li, 2016); Các thụ thể gắn axit mật cũng được phát hiện thấy ở niệm mạc đường sinh dục của bò (Wang và ctv., 1999).
Chi phí thức ăn cho 1 kg sữa tiêu chuẩn: Được tính dựa trên chi phí thức ăn, chi phí chế phẩm và số tiền từ bán sữa.
Từ kết quả bảng 5 cho thấy chi phí thức ăn để sản xuất ra 1 kg sữa và 1 kg sữa quy chuẩn là tương đương nhau giữa hai lô thí nghiệm. Thông thường, giá bán sữa tỷ lệ thuận với tỷ lệ mỡ sữa, do vậy trong nghiên cứu này, giá bán sữa của lô bổ sung Biopig sẽ cao hơn so với lô không bổ sung Biopig. Như vậy, có thể thấy rằng, hiệu quả kinh tế sẽ tốt hơn khi bò sữa được lô bổ sung Biopig.
>> Bổ sung axit cholic trong khẩu phần ăn của bò sữa làm tăng hàm lượng mỡ sữa nhưng không ảnh hưởng đến lượng thức ăn thu nhận, năng suất sữa, hàm lượng protein trong sữa và chi phí thức ăn để sản xuất 1 kg sữa. |
Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Tuyết Lê
(Học viện Nông nghiệp Việt Nam)
Đặng Thị Hòe
(Công ty CP Thương mại Dịch vụ Đà Anh)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã