Những ngày đầu tháng 7, Hà Tĩnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt nắng nóng gay gắt với nền nhiệt 37-40 độ C. Lượng nước tại các hồ chứa phần lớn đã xuống thấp. Riêng hồ Khe Hao (Lộc Hà) lượng nước chỉ đạt 13% so với dung tích thiết kế; một số hồ Bàu Bà, Khe Su (Cẩm Xuyên) đã cạn nước.
Cùng với 2 đợt nắng nóng cường độ mạnh trước đó, đến ngày 9/7, toàn tỉnh có 355 ha lúa bị hạn, chậm nước vụ hè thu; 247 ha có nguy cơ thiếu nước.
Ông Trần Duy Chiến - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, trước thực trạng nắng nóng gay gắt, ngành nông nghiệp địa phương đã nỗ lực ứng phó, chủ động cân đối nguồn nước và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tưới, triển khai các phương án chống hạn nên đã giảm thiểu được thiệt hại.
Các địa phương đã phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi nội đồng, sửa chữa, nâng cấp các công trình nhằm tiết kiệm nước phục vụ sản xuất, dân sinh. Ngoài ra, người dân tích cực thực hiện các giải pháp bơm tưới, khắc phục nắng nóng bằng cách sản xuất vào ban đêm để đảm bảo kế hoạch sản xuất.
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê Lê Quang Vinh thông tin, với cây chè, người dân đã tích cực bơm tưới ngày đêm nên thiệt hại không đáng kể. Trước đó, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống máy bơm và xây dựng hệ thống lưới điện tại các đồi chè. Với hơn 2.100 ha lúa hè thu, địa phương đã chủ động tính toán phương án tưới. "Mặc dù nắng nóng, nhưng đến thời điểm này, nguồn nước tại 157 hồ chứa vẫn đang đủ tưới cho diện tích lúa của huyện" - ông Vinh nói thêm.
Cẩm Xuyên là địa phương có diện tích lúa bị hạn lớn nhất tỉnh (130 ha). Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho hay: "Mặc dù đợt nắng nóng đã gây hạn trên diện rộng nhưng ngay sau đó đã có mưa lớn nên toàn bộ diện tích lúa bị chậm nước đã được "giải cứu". Còn với cây trồng cạn, huyện chủ động sử dụng nguồn nước ngầm để tưới kịp thời nên thiệt hại không đáng kể".
Được biết, thời điểm nắng nóng gay gắt, huyện Lộc Hà có hơn 100 ha lúa có nguy cơ hạn hán. Địa phương đã phát huy 2 trạm bơm Hồng Tân 1 và Hồng Tân 2 của trục sông Nghèn, bơm nước liên tục, kịp thời chống hạn.
Chủ động trong công tác chống hạn, từ tháng 4/2018, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu Sở NN&PTNT ban hành phương án tưới nước phục vụ sản xuất vụ hè thu. Do đợt nắng nóng mới đây kéo dài trên diện rộng, ngành nông nghiệp đã tích cực theo dõi tình hình, nắm bắt thông tin thời tiết để xây dựng thêm các phương án ứng phó.
Theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn, đây là đợt nắng nóng nhất trong năm. Dự báo sẽ còn nhiều đợt nắng nóng kéo dài trong thời gian tới. Cùng với lượng mưa ít, mực nước tại các sông ngòi, hồ đập dự báo vẫn tiếp tục xuống thấp.
Ông Trần Đức Thịnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: "Trước mắt, ngành tổ chức rà soát, cân đối nguồn nước tại các hồ chứa và triển khai kế hoạch điều tiết nguồn nước phù hợp, tiết kiệm, ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt. Bên cạnh đó, bố trí đủ lực lượng làm nhiệm vụ dẫn nước, ép nước tưới cho các vùng cuối kênh, vùng cao, vùng xa đang thiếu nước hoặc có nguy cơ thiếu nước. Đồng thời, chuẩn bị phương án máy bơm dự phòng để bơm tưới nước chống hạn những vùng có điều kiện".
Tác giả bài viết: Dương Chiến – Thành Chung
Nguồn tin: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã