Cỏ Úc lai F1
Cỏ Úc lai là giống cỏ cao lương ngọt, nhập từ Úc, thân và lá mềm, dễ trồng, dễ chăm sóc. Đây là giống F1 nên tốc độ tăng trưởng nhanh, đâm chồi nhiều, thời gian trồng ngắn, sớm thu hoạch, có thể trồng quanh năm.
Chuẩn bị: Có thể trồng cỏ trên nhiều loại đất khác nhau, tốt nhất là đất thịt màu mỡ sẽ cho năng suất cao. pH đất thích hợp để cỏ này phát triển 5,5 - 7. Đất được cày bừa kỹ, bón lót phân chuồng đã được ủ hoai và phân hóa học. Lượng phân hóa học để bón cho mỗi ha trồng cỏ là 30 kg u rê + 100 kg DAP + 50 kg KCl.
Phương pháp trồng: Mỗi ha đất gieo 10 - 12 kg hạt giống, khoảng cách giữa các hàng cỏ 70 - 80 cm. Cỏ Úc lai phát triển nhanh. Sau mỗi lần cắt cần bón thúc cho mỗi ha trồng cỏ 50 - 60 kg u rê + 20 - 30 kg KCl, kết hợp với xáo, vun gốc tạo độ thông thoáng cho rễ kích thích cỏ tái sinh. Đây là loại cây ưa cạn, nên mùa mưa cần làm rãnh thoát nước, mùa nắng chỉ cần tưới đủ ẩm.
Thu hoạch: Thời điểm thu hoạch tốt nhất khi cây cao khoảng 1 m, không để quá già vì ảnh hưởng đến năng suất các lứa sau. Khi cắt bớt lại phần gốc cách đất 15 - 20 cm. Sau 5 - 6 lần cắt thấy cỏ tái sinh chậm nên xới bỏ và gieo trồng lại.
Trồng cỏ cao sản khắc phục tình trạng thiếu thức ăn cho gia súc - Ảnh: CTV
Cỏ voi
Cỏ voi thuộc họ hòa thảo, thân đứng, là giống rất thích hợp cho chăn nuôi bò thịt theo quy mô trang trại. Trung bình mỗi lần trồng cỏ voi có thể thu hoạch được trong 3 - 4 năm.
Chuẩn bị: Nếu trồng cỏ voi theo hướng chuyên canh hoặc thâm canh, chọn loại đất có tầng canh tác trên 30 cm, nhiều màu, tơi xốp, thoát nước, có độ ẩm trung bình đến hơi khô, pH của đất 6 - 7. Cần cầy sâu, bừa kỹ hai lượt và làm sạch cỏ dại, đồng thời san phẳng đất. Rạch hàng sâu 15 - 20 cm, hai hàng nhau 60 cm. Có thể trồng theo khóm, khoảng cách 2 khóm 40 cm, khoảng cách hàng 60 cm. Tuỳ theo chất đất sử dụng lượng phân bón khác nhau. Trung bình 1 ha cần bón: 15 - 20 tấn phân chuồng hoai mục, 300 - 400 kg u rê, 250 - 300 kg Super lân, 150 - 200 kg Sulphat kali. Phân hữu cơ, lân, kali dùng bón lót toàn bộ theo lòng rãnh trồng cỏ. Phân đạm thì chia đều cho các lần thu hoạch và bón thúc sau mỗi lần cắt. Nếu đất chua (pH < 5) thì phải bón thêm vôi.
Phương pháp trồng: Trồng bằng thân cây, chọn cây mập, ở độ tuổi 80 - 100 ngày. Chặt vát thân cây với độ dài 25 - 30 cm và có 3 - 5 mắt mầm. Cần 8 - 10 tấn thân cây/ha. Đặt thân cây trong lòng rãnh, chếch 45 độ, cách nhau 30 - 40 cm, lấp đất dày 5 cm, nhô trên mặt đất khoảng 10 cm, bảo đảm mặt đất bằng phẳng sau khi lấp. Sau khi trồng 10 - 15 ngày mầm bắt đầu mọc. Tiến hành kiểm tra, cây nào chết thì cần trồng lại, đồng thời làm sạch cỏ dại và dùng cuốc xới xáo nhẹ làm cho đất tơi, thoáng. Khi được 30 ngày tiến hành bón thúc bằng 100 kg u rê/ha. Dùng cuốc làm sạch cỏ dại thêm vài lần, trước khi cỏ phủ kín mặt đất.
Thu hoạch: Sau khi trồng 80 - 90 ngày, cỏ cao 80 - 120 cm, thu hoạch đợt đầu. Khoảng cách những lần thu hoạch tiếp theo là 30 - 45 ngày. Khi thu hoạch lưu ý cắt gốc ở độ cao 5 cm trên mặt đất. Sau thu hoạch tiến hành bón thúc bằng đạm u rê.
Cỏ Ghinê
Cỏ Ghinê là loài cỏ chịu hạn và nóng, chịu dẫm đạp khi chăn thả bò. Cỏ mọc thành bụi như bụi sả, thân lá mềm, được trồng làm thức ăn xanh cho trâu, bò, ngựa ở dạng tươi ngoài bãi chăn nuôi hoặc ủ xanh và phơi khô dự trữ.
Chuẩn bị: Cỏ Ghinê phù hợp với ruộng cao, loại đất cát pha, không bị ngập nước hoặc ẩm nhiều. Cần cày vỡ đất ở độ sâu 20 cm, sau đó bừa và cày đảo, làm sạch cỏ dại và san phẳng đất. Trong trường hợp trồng bằng hạt thì đất phải làm tơi nhỏ hơn. Mỗi ha trồng cỏ Ghinê cần bón 10 - 15 tấn phân chuồng hoai mục, 200 - 250 kg Super lân, 150 - 200 kg Sulphat kali, bón lót toàn bộ theo hàng rạch; và 200 - 300 kg Sulphat đạm chia đều để bón thúc sau mỗi lần thu hoạch.
Phương pháp trồng: Có thể trồng bằng hạt, hoặc dùng khóm thân rễ, trồng theo bụi. Nếu trồng bằng khóm theo bụi thì dùng cày rạch thành hàng cách nhau 40 - 50 cm, sâu 15 cm. Trong trường hợp gieo bằng hạt thì chỉ cần rạch hàng sâu 10 cm. Mỗi ha cần lượng khóm 5 - 6 tấn, lượng hạt 5 - 6 kg. Khóm giống là các khóm cỏ trên ruộng được cắt bỏ phần ngọn, để lại chiều cao khóm khoảng 25 - 30 cm. Dùng cuốc đánh gốc cỏ lên, rũ sạch đất, cắt phạt bớt phần rễ già. Sau đó, tách thành những khóm nhỏ, mỗi khóm 3 - 4 nhánh đem trồng. Đặt các khóm vào rãnh, ngả cùng một phía, vuông góc với thành rãnh, cách nhau 35 - 40 cm, lấp đất sâu khoảng 10 - 15 cm và dậm chặt đất, tạo điều kiện có độ ẩm, cây chóng nảy mầm và có tỷ lệ sống cao.
Nếu trồng bằng hạt thì gieo rải đều theo hàng rạch và dùng đất nhỏ mịn lấp dày 5 cm. Sau khi trồng 15 - 20 ngày, kiểm tra khả năng ra mầm chồi, nếu cần thiết thì trồng dặm lại. Đồng thời, xới xáo và làm cỏ dại, bón thúc bằng đạm u rê. Nếu gieo bằng hạt thì chỉ tiến hành chăm sóc và trồng tỉa bổ sung khi cây mọc. Sau mỗi lần cắt và khi thảm cỏ nảy mầm xanh lại làm sạch cỏ dại rồi dùng phân đạm bón thúc.
Thu hoạch: Sau khi trồng được 60 ngày thì thu hoạch lứa đầu, cắt cách mặt đất 10 cm. Các lứa thu hoạch sau cách nhau 40 - 45 ngày. Mỗi năm cắt dọn gốc già một lần.
>> Chất khô trong cỏ chứa hầu hết các dinh dưỡng cần thiết cho động vật. Chúng có thành phần protein dễ tiêu hóa, giàu vitamin, khoáng đa lượng, vi lượng, ngoài ra có nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học cao. Gia súc nhai lại có thể tiêu hóa trên 70% các chất hữu cơ trong cỏ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã