Vụ đông xuân năm 2016 chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, tháng 5 bước vào hè mà thời tiết mát mẻ như mùa thu, thời tiết muộn lại khoảng 1 tháng, lúa và rau màu kéo dài thời gian sinh trưởng, cây ăn quả ra hoa, kết quả muộn. Quỹ thời gian từ thu hoạch lúa đông xuân đến trồng cây vụ đông sớm ngắn nên các địa phương có cơ hội đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, trồng cây rau màu vụ hè, tạo điều kiện mở rộng diện tích cây vụ đông sớm, nhóm cây ưa nhiệt sẽ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Việc bố trí sản xuất vụ hè, vụ hè thu là vụ trung gian giữa vụ đông xuân với vụ đông có ý nghĩa quan trọng trong công thức luân canh của năm.
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia về thời tiết vụ mùa năm 2016: Bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp vào nước ta tập trung vào những tháng cuối năm (từ tháng 8 – 11), nắng nóng ở Bắc Bộ vụ hè không gay gắt như năm 2015, lượng mưa vụ hè, hè thu cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Sản xuất cây rau màu vụ hè, hè thu trong điều kiện sinh thái, khí hậu của miền Bắc thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, mặt khác gieo trồng cây vụ hè, vụ hè thu diễn ra đồng thời với thu hoạch lúa đông xuân và gieo cấy lúa mùa. Vì vậy trồng cây vụ hè, hè thu cần chuẩn bị tốt các điều kiện để sản xuất, thực hiện kỹ thuật thâm canh. Sau đây xin giới thiệu kinh nghiệm của nông dân vùng trồng rau màu tập trung với sản lượng hàng hóa lớn ở huyện Gia Lộc (Hải Dương) như sau:
1. Quy hoạch vùng sản xuất tập trung
Lựa chọn vùng có cao trình ruộng đất cao, vàn cao, đất nhẹ, dễ làm, có hệ thống thủy lợi tưới tiêu thuận lợi, quy mô vùng hợp lý, tối thiểu 3ha trở lên, có sản phẩm chính như: vùng dưa lê, vùng dưa hấu, vùng bắp cải, vùng cải dưa v.v… để tạo ra một khối lượng nông sản hàng hóa lớn, phát triển các cơ sở thu mua và tiêu thụ sản phẩm.
Mở rộng quy mô sản xuất của hộ, các doanh nghiệp với các hình thức thuê, thầu, mượn ruộng, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để hạ giá thành, nâng cao lợi nhuận.
2. Xây dựng các công thức luân canh, mô hình trồng giống mới, kỹ thuật canh tác mới
Xây dựng công thức luân canh khoa học, một thửa ruộng, một vùng không trồng một loại cây trồng nhiều lần, không trồng cây cùng họ trên cùng một ruộng để giảm sâu bệnh hại cây trồng. Luân canh giữa cây trồng nước với cây trồng cạn, luân canh giữa cây họ đậu với các cây trồng khác để cải tạo đất.
Ví dụ công thức luân canh như sau:
Lúa xuân – Dưa hấu, dưa lê hè – Bắp cải thu đông.
Dưa xuân – Cây họ đậu – Cây vụ đông
Lúa xuân – Cà pháo – Su hào – Cây vụ đông khác
Bầu hoặc bí xuân – Cải dưa – Ngô nếp, ngô ngọt, ngô giống – Rau vụ đông
Cà chua xuân – Rau cải – Lúa mùa – Rau vụ đông
v.v….
Các giống rau màu mới trong và ngoài nước ngày càng nhiều, các tiến bộ về phân bón, kỹ thuật canh tác mới… Cần xây dựng các mô hình trình diễn với quy mô từ nhỏ đến vừa để nông dân tham quan, học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất.
3. Thời vụ và các giải pháp tranh thủ thời vụ
a. Thời vụ
Địa phương, hộ có trình độ thâm canh, phát triển các cây rau màu trái vụ, lệch vụ thì sản xuất khó khăn, chi phí sản xuất cao nhưng giá trị sản phẩm cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi, đa số các hộ có thu nhập cao như: trồng cần tây, tỏi tây, cà chua thu đông, dưa lê chất lượng cao, bí xanh... Các loại rau màu này trồng từ tháng 5 đến tháng 8.
Căn cứ vào điều kiện tiểu khí hậu của địa phương để bố trí thời vụ các cây trồng để hạn chế thiệt hại do mưa lớn gây ra.
b. Các giải pháp tranh thủ thời vụ
* Chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất như: ủ phân chuồng, làm đất bột, các nông cụ...
* Làm bầu ươm cây giống: Kích thước bầu to để tuổi cây giống trong bầu dài hơn so với vụ hè, vụ hè thu các năm trước.
* Trồng rau màu xen lúa (rau màu luồn lúa) hoặc thu hoạch một phần diện tích lúa chín 85 - 90% để làm rạch gieo hạt hoặc đặt bầu cây rau màu.
* Làm đất tối thiểu.
4. Lựa chọn giống
Bên cạnh một bộ phận nhỏ các giống rau truyền thống, sử dụng nhiều các giống lai F1 có thời gian sinh trưởng ngắn, chịu nóng tốt, chịu mưa, chống chịu sâu bệnh tốt, có chất lượng, sản phẩm đáp ứng với nhu cầu thị trường, phù hợp với trình độ canh tác và điều kiện đất đai của địa phương.
Các hộ có trình độ canh tác trung bình trồng các loại rau màu dễ làm, không yêu cầu kỹ thuật cao, như dưa lê trồng an toàn hơn so với dưa hấu (mất đợt hoa này còn đợt hoa khác).
Các hộ có trình độ thâm canh cao, có nguồn vốn đầu tư nên trồng rau màu giống mới, cây cho giá trị kinh tế cao, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới như: sử dụng màng phủ nông nghiệp, kỹ thuật bắc giàn cải tiến...
5. Kỹ thuật làm đất
Đối với ruộng trồng màu nhiều vụ cần xử lý đất: Nên để đất nghỉ tối thiểu 15 ngày, cày bừa ngả ruộng, rắc 20 - 30 kg vôi bột/sào Bắc Bộ bừa đan 1 - 2 lần rồi rắc 2 kg đồng sunphat, bừa tiếp, để ruộng ngập nước ít nhất 10 ngày nhằm diệt giun, dế, tuyến trùng, côn trùng và các nấm bệnh, tàn dư thực vật được phân hủy. Đồng thời cung cấp nguyên tố trung (Canxi) và vi lượng (Đồng) cho cây trồng.
Căn cứ vào thành phần cơ giới của đất. Đối với đất có thành phần cơ giới nhẹ đất dễ bị trăng lì, gí nên làm đất khi đất còn hơi ướt, không làm kỹ để khi gặp mưa hoặc đưa nước vào ruộng đất trong luống vẫn thông thoáng, rễ cây hô hấp tốt, cây sinh trưởng phát triển tốt.
Đối với đất thịt nặng thì cần làm đất kỹ, nhỏ, tơi.
Căn cứ vào đặc điểm hệ rễ của cây trồng mà có kỹ thuật làm đất phù hợp. Đối với cây có hệ rễ chùm, ăn nông thì làm đất kỹ hơn nhưng bảo đảm độ thoáng như các cây họ đậu. Đối với cây có bộ rễ khỏe, phát triển mạnh, ăn sâu, rộng thì không làm đất kỹ, lật đất đến tầng đế cày, có thể chỉ làm đất ở phần đặt bầu và làm rãnh thoát nước như: bí xanh, ngô.
Đối với cây chịu nước kém phải lên luống cao, làm luống mui rùa, làm rãnh thoát nước tốt. Các cây trồng ưa ẩm, rễ phát triển trong nước được như: bí xanh, dưa chuột… chỉ cần gốc cao khi mưa to không bị ngập gốc, không cần làm rãnh sâu và rãnh thoát nước xung quanh ruộng.
Trồng cây vụ hè trên đất lúa: Rút nước trước khi thu hoạch lúa khoảng 15 ngày. Nếu gặp mưa nhiều, tranh thủ thời vụ cày lật đất, xếp luống, vằm xới mặt luống, trồng ngay trong khi mưa.
6. Làm giàn và che phủ để bảo vệ cây trồng
Sử dụng màng phủ nông nghiệp phủ mặt luống, đặt mặt bạc lên trên để giữ ẩm tốt, hạn chế rửa trôi phân bón, cỏ dại và sâu bệnh.
a. Sử dụng khum tre hoặc sắt kết hợp nilon trắng hoặc vải trắng để bảo vệ rau màu khi mưa lớn. Khi trời không mưa, nắng nhẹ thì mở nilon, vải bằng cách buộc túm vải, nilon vào giữa khum.
Đối với dưa lê, dưa hấu, dưa lê chất lượng: Vừa phủ màng nilon mặt luống và làm khum vòm vải hoặc nilon trắng che phủ chống mưa to, nắng gắt.
b. Đối với cây họ bầu bí, cà chua, ớt, đậu đũa: Làm giàn chắc chắn bằng dóc, tre hoặc kết hợp với lưới cước. Để giảm chi phí, giảm công lao động, hạn chế bệnh hại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
7. Bón phân, điều tiết nước
Vụ hè, hè thu mưa nhiều, nhiệt độ cao yêu cầu bón phân chuồng, phân vô cơ, phân NPK phải bón sâu để hạn chế phân bón bị rửa trôi, bay hơi. Tăng lượng phân chuồng, phân lân và kali.
Chú ý: Khi bón phân lót, nhất là phân đạm và kali cần bón sâu và xa gốc cây để hạn chế cây chết do xót phân khi gặp mưa to hoặc đưa nước vào ruộng sau trồng.
Đối với diện tích vụ trước đã bón phân vi sinh thì lượng phân bón cần đầu tư cao hơn khoảng 20% vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất đã giảm do cây trồng vụ trước đã khai thác được các phân bón bị keo đất giữ nhờ có vi sinh vật phân giải thành các chất dễ tiêu.
Các cây rau màu phần lớn là các cây trồng cạn, thường xuyên điều tiết nước bảo đảm đủ ẩm, tiêu thoát nước tốt sau mưa lớn, thực hiện tưới rãnh là chính, hạn chế tưới nước mặt luống để giảm sự phát sinh gây hại của nấm bệnh. Đưa nước vào ruộng sau 3 – 4 giờ rồi tháo cạn, đối với một số cây trồng như: bí xanh, mướp, dưa chuột… có thể để mực nước nông trong rãnh.
8. Phòng trừ sâu bệnh
Vụ hè, hè thu, sâu bệnh phát sinh gây hại rau màu nhiều, cần thực hiện biện pháp phòng trừ tổng hợp, khi phun thuốc BVTV thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng, sử dụng thuốc BVTV trong danh mục thuốc được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tăng cường sử dụng thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, bảo đảm thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã