Miền Bắc lại một vụ xuân rét. Cái rét vào thời điểm lẽ ra phải ấm dần lên rồi, nhưng rét cứ đeo đẳng mãi, ngưỡng nhiệt luôn ở cái ngưỡng cận kề rét hại. Chính vậy mà lúa gieo thẳng, gieo vãi mãi mới mở được lá, còn lúa cấy thì đứng hoài chẳng chịu đẻ nhánh.
Thống kê một số yếu tố khí tượng cho thấy: Vụ xuân năm nay có nhiều diễn biến khác thường. Nhiệt độ tháng 12/2013 thấp nhất trong 30 năm nay, nhiệt độ trung bình (NĐTB) 15,03 độ C, thấp hơn trung bình nhiều năm(TBNN) 2,7 độ C, có 16 ngày nhiệt độ dưới 15 độ C, trong đó 12 ngày dưới 13 độ C.
Tháng 1, NĐTB 16,62 độ C, cao hơn TBNN 0,12 độ C, có 8 ngày nhiệt độ dưới 15 độ C, trong đó có 2 ngày nhiệt độ dưới 13 độ C. Tháng 2, NĐTB 16,61 độ C, thấp hơn TBNN 1,4 độ C, có 10 ngày dưới 15 độ C, trong đó 7 ngày nhiệt độ dưới 13 độ C.
Số giờ nắng của cả tháng 12/2013 và tháng 1/2014 đều cao nhất trong 25 năm gần đây. Tổng số giờ nắng của tháng 12 là 172,2 giờ, tháng 1 là 122,3 giờ nắng, tháng 2 là 30,2. Lượng mưa trong tháng 1/2014 cũng thấp nhất trong 20 năm gần đây, chỉ có 0,1 mm, tháng 12/2013 có 18,9 mm, tháng 2/2014 có 26,2 mm.
Tuần 1 tháng 3, nhiệt độ, giờ nắng đều thấp hơn TBNN và cùng kỳ (CK) 2013, lượng mưa cao hơn TBNN và CK 2013; NĐTB là 18,1 độ C, lượng mưa 31,2 mm, không có giờ nắng.
Với những yếu tố như trên, theo yêu cầu sinh lý của cây lúa, rõ ràng lúa chưa thể đẻ nhánh thuận lợi được; điều này cũng khiến không ít người suốt ruột bởi sự thay đổi vô cùng chậm chạp của ruộng lúa.
Tuy nhiên thực tế những năm rét mà chúng ta đã trải qua những năm gần đây; gần nhất là 2011, cũng tình trạng này, lúa cấy hàng tháng rồi mà nhìn ruộng vẫn trống hoác, cây lúa thì như “lông bò”, mãi chả lên được. Vụ xuân đó nhiều chủ nhiệm HTX cũng bi quan, thậm chí họ còn đặt câu hỏi trước cuộc họp là có nên chăm sóc nữa không, sợ lúa trổ muộn rồi không được ăn, đầu tư lãng phí. Với kinh nghiệm và thực tế quan sát, ghi chép, nghiên cứu nhiều năm, chúng tôi trả lời họ rằng, không đáng lo, vụ xuân này sẽ được mùa. Vụ xuân 2011 cũng là vụ được mùa lớn ở miền Bắc.
Lúa xuân khác lúa mùa ở chỗ là nó vừa trổ vừa tốt; nhiều chân ruộng quan sát giai đoạn con gái lúa cực xấu, thưa thớt, thậm chí ngay cả trước trỗ nhìn cũng tưởng không ăn thua, thế mà trước thu hoạch nó đã như lột xác và khác hẳn, năng suất cuối cùng chẳng kém gì so với ruộng bên cạnh. Lúa xuân, hay lúa chiêm; ông cha ta cũng đã đúc rút kinh nghiệm rằng “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”.
Càng bị kìm mạnh thì khi gặp “mưa thuận, nhiệt hợp” lúa sẽ lên như “hóa”, vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, lúc mà nền nhiệt tăng cao hơn, trời có nắng, gặp mưa rào đầu vụ, kèm theo sấm chớp, nước ngọt, thế kìm hãm trong đất được bẻ gãy, rễ lúa bung ra, cây lúa có thế năng sinh trưởng mạnh đúng kỳ con gái và ruộng lúa sẽ mỗi hôm nhìn mỗi khác và cả cánh đồng chỉ tuần trước, tuần sau nhìn đã thấy mát mắt rồi.
Hãy khuyến cáo để nông dân thực hiện tốt các hướng dẫn kỹ thuật, đặc biệt tỉa dặm để tránh mất khoảng, chăm sóc và bón phân kịp thời, phải thâm canh và thâm canh cân đối trên cơ sở sử dụng các loại phân bón NPK có thương hiệu, của các doanh nghiệp có uy tín, sử dụng phân bón phải biết “nhìn cây, nhìn đất và nhìn trời”, bón lúc cây cần.
Giai đoạn sau cấy, bón thúc là lúc cây cần đạm cao hơn sau đó là kali, vì vậy bà con nên bón NPK chuyên thúc: Loại phân có thành phần chủ yếu là đạm và kali. Đạm và kali rất cần cho cây ra lá, vươn lá và hình thành các chồi nhánh; lúa đẻ nhanh, đẻ gọn thì bông sẽ nhiều; sau nữa thì đạm và kali vô cùng quan trọng với việc hình thành số hạt và tỷ lệ hạt chắc; những yếu tố cấu thành nên năng suất của ruộng lúa.
Lân rất cần và rất quan trọng ở giai đoạn cây non, bón lót và giai đoạn mạ nếu thiếu lân, khả năng hình thành diệp lục tố sẽ yếu, rễ chậm phát triển và lúa rễ chết rét, đặc biệt với các giống lúa chịu rét kém.
Điều tiết nước vô cùng quan trọng, nếu giai đoạn cây non, sau cấy đến đẻ nhánh rộ, nước được xem là áo của lúa xuân, thì khi mà lúa đã đẻ tối đa, tưới nước cần tuân thủ kiểu Nông - Lộ - Phơi: Tưới nông tránh lãng phí nước, sau đó tưới xăm xắp để lộ mô đất trên ruộng; sau đó là giai đoạn phơi ruộng để cứng mặt cho rễ ăn xuống, giúp cây cứng, chống đổ và bộ rễ khỏe, khai thác tốt hơn dinh dưỡng tầng dưới của lớp đất mặt.
Vấn đề quyết định sau cùng là bảo vệ đồng ruộng: Thời tiết ít nắng, mưa phùn, ẩm độ không khí bão hòa đó là điều kiện tối ưu cho nấm bệnh đạo ôn phát sinh gây hại. Nguồn nấm bệnh nếu đã có sẵn từ các ổ bệnh đạo ôn không được phòng trừ và loại bỏ sớm, cộng với ngoại cảnh thuận lợi, lại thêm cơ cấu các giống lúa nhiễm (Bắc thơm 7, nếp...) sẽ hội tụ cả “cần” và “đủ” cho đạo ôn phát sinh thành dịch. Do vậy cần phát hiện nhanh và sớm, dùng thuốc đặc hiệu để trị ngay với quan điểm “dập tắt từ trong trứng”, vệ sinh nguồn bệnh và dừng việc bón đạm, phân qua lá theo khuyến cáo của chuyên ngành BVTV. Bệnh đạo ôn trên lá và đạo ôn cổ bông nếu lơ là và bà con tiếc tiền tham rẻ chỉ mua các loại thuốc không có tính đặc hiệu và chuyên biệt cao, chắc chắn sẽ bị mất cả 2 đầu, cả năng suất lẫn tiền mua thuốc. Sâu cuốn lá, đục thân, chuột và rầy nâu cuối vụ đều là những đối tượng cần được theo dõi chặt và phòng trừ đúng ngưỡng ở vụ xuân. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã