1. Điều kiện sản xuất rau an toàn:
- Chọn đất không bị ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện và các nguồn ô nhiễm khác.
- Nguồn nước tưới là nước sạch: nước sông có dòng chảy luân chuyển không bị ô nhiễm hoặc nước giếng khoan sạch.
- Không sử dụng phân chuồng tươi hoặc nước phân tươi để bón hoặc tưới.
- Thu hoạch đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật.
2. Qui trình sản xuất:
2.1. Thời vụ :
- Các tỉnh phía Bắc có 3 thời vụ:
+ Vụ sớm: Gieo hạt vào tháng 7, trồng tháng 8.
+ Vụ chính: Gieo hạt tháng 8, trồng tháng 9.
+ Vụ muộn: Gieo hạt tháng 11, trồng tháng 12.
- Các tỉnh phía Nam, gieo tháng 10, trồng tháng 11.
2.2. Vườn ươm và yêu cầu kỹ thuật:
- Đất vườn ươm: chọn đất thịt nhẹ, cao, dễ thoát nước. Tiến hành dọn sạch cỏ dại, làm đất kỹ. Lên luống cao 25 cm, rộng 0,8 - 1m, rãnh rộng 25 cm.
- Bón lót phân: Mỗi ha bón 20 - 25 tấn phân chuồng mục và 10 - 15 kg phân lân super, phân rải đều khắp mặt luống, dùng cào đảo đều trộn lẫn phân với đất. Vét đất ở rãnh lấp phủ lên mặt luống một lớp đất dày 1,5 - 2 cm.
- Lượng hạt giống: hạt giống có tỷ lệ nảy mầm > 85%, gieo 0,28 - 0,30 kg hạt và thu được 3 - 4 vạn cây đủ trồng cho 1 ha. Lượng hạt gieo 1,5 - 2,0g/m2.
- Gieo hạt: Gieo hạt xong cào nhẹ hoặc dùng tay xoa nhẹ, đều trên mặt luống cho đất phủ kín hạt. Dùng trấu phủ kín mặt luống, tưới nước đủ ẩm.
- Tưới nước: Sau khi gieo hạt phải tưới nước liên tục 3 - 5 ngày đầu, 1 - 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1 - 2 ngày, sau đó cách 1 ngày tưới 1 lần. Trước khi nhổ cây đem trồng, ngừng tưới nước 3 - 4 ngày để luyện cây con. Trước khi nhổ cây trồng phải tưới nước trước 4 - 5 giờ để khi nhổ cây không bị đứt rễ.
- Bón phân thúc: Sau khi cây có 2 lá thật dùng phân chuồng ủ mục ngâm nước pha loãng tưới cho cây con (lượng phân 1,5 - 2,0 tấn/ha).
- Tỉa cây: Khi cây có 1 lá thật thì tỉa lần 1 ở những chỗ cây quá dày. Khi cây có 3 lá thật tỉa lần 2, để cây cách cây 5 - 6 cm.
- Tiêu chuẩn cây giống tốt: cây con 25 - 30 ngày tuổi, có 5 - 6 lá thật, phiến lá tròn, đốt sít, mập, lùn.
2.3. Làm đất, trồng, chăm sóc bắp cải:
* Yêu cầu đất trồng: Đất tơi nhỏ, sạch cỏ; luống rộng 100 - 120 cm, cao 15 - 20 cm, rãnh luống 20 - 30 cm. Vụ sớm, làm mặt luống mui luyện để thoát nước. Vụ chính và vụ muộn, làm luống phẳng.
* Mật độ trồng: Cây trồng hai hàng kiểu nanh sấu.
- Vụ sớm: mật độ 33.000 - 35.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 40 cm.
- Vụ chính và vụ muộn: mật độ 27.000 - 30.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 50 cm.
* Lượng phân và cách bón:
- Lượng phân bón cho 1ha: 20 - 25 tấn phân chuồng hoai mục, 350 - 400 kg super lân, 300 kg đạm urê, 200 kg phân kali.
- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân. Rạch hai hàng trên mặt luống bón phân, sau đó lấp đất hoặc bón theo hốc trồng cây.
- Bón thúc lần 1: Thời kỳ hồi xanh, sau trồng 7 - 10 ngày, bón 70 kg urê và 60 kg kali sunfat hoà tưới vào gốc kết hợp xới vun làm cỏ vét rãnh.
- Bón thúc lần 2: Thời kỳ trải lá bàng, sau trồng 20 - 25 ngày, bón 150 kg urê và 80 kg kali sunfat, bón cách gốc 20 cm kết hợp xới xáo làm cỏ lấp phân.
- Bón thúc lần 3: Thời kỳ cuốn bắp, sau trồng 30 - 35 ngày, bón nốt lượng phân còn lại, có thể bón vào gốc hoặc hòa nước tưới.
Chú ý: Trước khi thu hoạch 30 ngày ngừng bón phân đạm.
* Tưới nước: Sau khi trồng, tưới đủ ẩm vào buổi sáng và chiều mát cho đến khi cây hồi xanh. Sau khi vun, bón thúc đợt 1 và 2, tưới rãnh cho nước ngấm 2/3 rãnh, sau đó tháo hết nước.
* Bảo vệ thực vật: Thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM).
- Trước khi trồng cây phải vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất sớm để diệt nguồn sâu non và nhộng của các loại sâu khoang, sâu xám, sâu xanh.
- Có thể trồng xen với cà chua để giảm mật độ sâu tơ.
- Luân canh với lúa nước (2 vụ lúa và 1 vụ rau), nếu ở vùng chuyên canh rau nên luân canh với cây họ đậu, họ cà và họ bầu bí để tránh bệnh sương mai và thối nhũn.
- Trước khi trồng cây: xử lý đất bằng thuốc hạt Basudin với liều lượng 25 kg/ha; xử lý cây giống bằng dung dịch thuốc Sherpa 20EC nồng độ 0,1% hoặc Regent 800 WG nồng độ 1g/10 lít nước, trong 5 - 10 giây rồi vớt ra để khô nước mới đem trồng.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu xám, giết các ổ trứng sâu khoang, sâu xanh.
- Nếu có nhiều sâu tơ và rệp, sử dụng luân phiên giữa các nhóm thuốc: thuốc sinh học (BT, Delfin 32 BIU, Dipel 3.2WP, Aztron 700 DBMU, Xentari 35 WDG...); thuốc hoá học (Sherpa 20 EC, Atabrron 5EC, Regent 800WG, Pegasus 500SC) và thảo mộc (HCĐ 95 BTN, Rotenone, Nembon A-EC, Nimbecidin 0,03EC...) để tránh sự quen thuốc của sâu. Khi xuất hiện các bệnh sương mai, thối nhũn, nhổ bỏ cây bị bệnh, vệ sinh đồng ruộng tránh lây lan.
- Ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 20 ngày.
2.4. Thu hoạch và bảo quản:
- Thu hoạch khi bắp cuốn chắc, khối lượng trung bình 1 - 2,5 kg/cây, tuỳ theo giống, đủ độ tuổi sinh trưởng. Loại bỏ lá già, lá ngoài, lá giập nát, không ngâm nước.
- Cải bắp bảo quản nhiệt độ 0 - 2 độ C, độ ẩm 92 - 95% trong thời gian 4 - 8 ngày.
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã