Việc sử dụng phân xanh thay thế cho các loại phân bón hóa học nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường cũng như hướng đến một nền nông nghiệp xanh là giải pháp đang được nhiều nông dân trong tỉnh lựa chọn. Hơn 1 năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Bé (khóm 8, phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) không còn tốn nhiều chi phí cho việc mua phân bón để chăm sóc gần 1ha lúa của gia đình như những vụ lúa trước. Thay vào đó, ông chuyển sang sử dụng hoàn toàn bằng phân bò đã ủ mục để bón ruộng. Hiện, gia đình ông đang nuôi 12 con bò và trung bình mỗi ngày lượng phân mà chúng thải ra gần 10kg.
Theo ông Bé, địa điểm ủ phân nên thuận tiện cho việc ủ và vận chuyển sử dụng. Nền chỗ ủ bằng phẳng hoặc hơi dốc. Nếu nền bằng phẳng nên tạo rãnh xung quanh và hố gom nhỏ để tránh nước ủ phân chảy ra ngoài khi tưới quá ẩm. Có thể ủ trong nhà kho, chuồng nuôi không còn sử dụng để tận dụng mái che. Nếu ủ trong kho phải có lối thoát nước. Khác với những loại phân bón hóa học khác, phân bò hoai mục được bón lót trước khi sạ giống để làm “nền” dinh dưỡng cho cây lúa nảy mầm phát triển. Bên cạnh đó, ông Bé cũng bón định kỳ hàng tháng để cây lúa tăng trưởng nhanh và hạn chế sâu bệnh.
Ông Bé chia sẻ: “Từ khi áp dụng biện pháp ủ phân bò bón cho ruộng lúa tôi thấy ruộng nhà mình tốt hơn so với những vụ trước đây. Vụ lúa năm nay gia đình tôi giảm hơn 20kg phân bón các loại/công. Không chỉ giảm về chi phí, việc hạn chế tiếp xúc với các loại phân, thuốc hóa học cũng làm cho tôi thấy sức khỏe mình đảm bảo hơn”.
Tổng đàn bò ở khóm 8 (phường Láng Tròn) hơn 100 con. Trước đây bà con nuôi bò không thấy hết tác dụng của phân bò nên không thu gom phân khi chăn thả, gây ô nhiễm môi trường. Từ khi thấy cách làm của ông Bé đạt hiệu quả, nhiều người trong khóm áp dụng làm theo. Qua đó, hạn chế được tình trạng chăn thả bò tràn lan.
Anh Nguyễn Văn Xuyên (khóm 8) có 2 công đất trồng hoa màu. Trước đây anh chỉ sử dụng các loại phân bón hóa học. Song, từ khi được ông Bé hướng dẫn cách ủ phân bò để làm phân xanh bón rẫy thì năng suất cũng như hiệu quả kinh tế tăng lên rất nhiều.
Hầu hết các gia đình ở nông thôn đều có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và có lượng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp khá lớn, Tuy nhiên, họ chưa khai thác hoặc sử dụng hiệu quả để làm phân bón cho cây trồng, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, tất cả những loại phế phẩm trên đều có thể tận dụng làm phân hữu cơ vi sinh để bón vào đất làm tăng độ phì nhiêu, giảm chi phí sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường sống ở các vùng nông thôn.
Thiết nghĩ, ngành Nông nghiệp cần hỗ trợ kỹ thuật trong việc tận dụng các nguồn phụ phẩm, phế phẩm làm phân bón tự nhiên để nông dân áp dụng và triển khai nhân rộng nhằm giảm chi phí sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã