Lúa Hè thu tại Hà Tĩnh đã bước vào giai đoạn trổ bông đạt trên 80%
Vụ hè thu năm nay toàn tỉnh gieo cấy 43.797 ha lúa. Đến thời điểm này, đã có gần 37.000 ha đang trong giai đoạn trổ chín, tập trung nhiều ở các huyện: Cẩm Xuyên (9.087 ha), Thạch Hà (7.100 ha), Kỳ Anh (3.600 ha),.... Diện tích lúa còn lại đa phần trong giai đoạn làm đòng đến trổ. Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, nhờ có động lực lớn từ vụ Xuân trước đó là lúa được mùa, được giá nên sang vụ lúa Hè thu này, hầu hết bà con trong tỉnh đều quan tâm chăm sóc tốt từ khâu làm đất, xuống giống đến lúa giai đoạn hiện tại. Vì vậy, qua kết quả thăm đồng mới đây cho thấy, các ruộng lúa Hè thu đều sinh trưởng tốt, dịch hại tấn công ít. Mặt khác, việc áp dụng các biện pháp canh tác hợp lý, sử dụng các giống theo cơ cấu mà ngành nông nghiệp khuyến cáo nên tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng về sản lượng cũng như chất lượng lúa vụ Hè Thu này.
Tuy nhiên, thời điểm từ khi lúa làm đòng đến trổ và chín thì nước là yếu tố đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Giai đoạn này, lúa trao đổi chất mạnh mẽ và cần lượng nước thường xuyên để đảm bảo các quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi. Nước nhiều hay ít sẽ ảnh hưởng đến chiều hướng và cường độ trao đổi chất. Vì vậy nếu không đủ nước trong giai đoạn này nguy cơ mất mùa sẽ rất cao. Nên bà con phải chú ý cung cấp nước đầy đủ, kịp thời và luôn phải đảm bảo mực nước từ từ 5-7cm.
Để tránh tình trạng thiếu nước cục bộ, thời điểm này, các đơn vị thủy nông trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung điều tiết nước hợp lý để tránh trình trạng thiếu nước cục bộ, ảnh hưởng đến quá trình lúa trổ bông. Ông Đặng Hòa Bình - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết: Căn cứ vào nhu cầu nguồn nước của từng vùng mà công ty đang tập trung điều tiết nước hợp lý. Theo đó, nguồn nước sẽ ưu tiên cho những vùng cuối kênh, vùng cao cưỡng và những diện tích lúa gieo cấy sau để giúp cây lúa phát triển tốt và trổ thoát theo đúng tiến độ.
Bên cạnh nước tưới, giai đoạn lúa trổ bông rất mẫn cảm với các loại sâu bệnh và ảnh hưởng lớn đến năng suất cuối vụ. Thời gian này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp về tận cơ sở, cùng với nông dân thăm đồng, theo dõi sát diễn biến các đối tượng sâu bệnh gây hại để khuyến cáo các biện pháp phòng trừ kịp thời, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
Cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV tỉnh kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa Hè Thu
Bà Trịnh Thị Giang, cán bộ phòng chuyên môn- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Qua kiểm tra, cho thấy, ngoài chuột phá hoại còn có bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ gây hại cục bộ với mật độ 5-7 con/m2, nơi cao 10-15 con/m2. Đáng chú ý, rầy các loại gây hại đang bắt đầu phát sinh lứa mới, mật độ trung bình 100-300 con/m2 và có sự xen gối lứa, phân bố rải rác trên địa bàn tỉnh. Do đó, bà con nông dân các địa phương cần hết sức chú ý đến việc thăm đồng, kịp thời phát hiện và chủ động các biện pháp phòng trừ ngay khi sâu bệnh mới phát sinh.
Nhìn chung, lúa hè thu năm nay đang phát triển tốt. Nhưng giai đoạn này, bà con nông dân không nên chủ quan vì sẽ có nhiều yếu tố có thể tác động bất lợi, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng toàn vụ. Vì vậy, người nông dân cần chủ động theo dõi và áp dụng các biện pháp chăm sóc thích hợp để có một vụ mùa thắng lợi./.
Theo Nguyễn Hoàn/khuyennonghatinh.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã