Trên vùng nuôi trồng thủy sản thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn (Thạch Hà), để “đánh vật” với dòng nước chảy xiết trên sông Nghèn, người dân đã kịp thời di chuyển lồng bè ở ngoài lòng sông vào gần bờ rồi chèn chống và neo cố định.
Để gia cố thêm lồng bè, nhiều hộ nuôi buộc thêm đá vào 2 bên lồng, tạo sức nặng giữ cho lồng khỏi lật.
Vừa triển khai các biện pháp bảo vệ tài sản, ông Nguyễn Tiến Lục (thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn, Thạch Hà) vừa cho biết: “Gia đình tôi có 2 bè với 14 ô nuôi cá chẽm. Số cá này được thả từ tháng 2 âm lịch, nay đã đạt sản lượng hơn 1 tấn. Nếu di dời sang môi trường khác, cá sẽ dễ sốc nhiệt mà chết. Vì vậy, chúng tôi chỉ có thể triển khai các giải pháp gia cố bè cá, đề phòng lũ lên chứ không dám mạo hiểm”.
Khu vực nuôi trồng thủy sản thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn (Thạch Hà) hiện có 59 hộ nuôi với 62 bè nuôi cá chẽm. Thời điểm này, cá đã bước vào vụ thu hoạch nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nhà hàng đóng cửa nên việc tiêu thụ cá cũng gặp khó khăn.
“Cá không bán được, lại cận kề mưa bão nên ai cũng lo lắng. Lo nhất là nước sông dâng cao khiến bèo tây trôi dạt xuống dưới đáy khiến cho lồng nổi gây hiện tượng cá chết. Hồi cuối tháng 5 vừa rồi, gia đình tôi bị chết hơn 6 tạ cá do hiện tượng bèo trôi này” – Ông Nguyễn Huệ, thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà cho hay.
Không chỉ người nuôi cá lồng bè đang vất vả chống bão số 5, thời điểm này, người nuôi tôm ở vùng nuôi Hạ Lầm thuộc thôn Tri Khê, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà cũng đang chủ động đánh vôi để bảo vệ hơn 14 ha tôm nuôi đang trong kỳ phát triển.
Tại xã Hộ Độ (Lộc Hà), người dân chủ động giăng lưới quanh bờ để đề phòng mưa lớn sau hoàn lưu bão số 5 khiến mực nước trong hồ dâng cao.
Vừa đánh muối để gia tăng độ mặn cho ao nuôi cua, ông Trần Đình Dung - thành viên Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hà Vọoc, xã Hộ Độ vừa cho biết: “Mấy đợt mưa vừa rồi khiến cho lượng nước ngọt trong hồ nhiều. Độ mặn thấp sẽ dễ khiến tôm, cua bị sốc nhiệt chết nên chúng tôi chủ động đánh muối khoáng. Ngoài ra, nhận định sau bão số 5 sẽ có mưa lớn nên hiện nay tất cả các thành viên trong HTX đều đã chủ động tháo cống để giảm mực nước trong hồ”.
Tại huyện Cẩm Xuyên – nơi có hơn 49 ha nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven sông, ven biển, người dân cũng đã kịp thời đặt ống xả tràn để đảm bảo an toàn cho tài sản ao nuôi.
Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 7.192 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và 292 lồng bè nuôi trồng thủy sản các loại. Để chủ động các biện pháp phòng chống bão số 5, đơn vị đã kịp thời gửi công văn về các địa phương, yêu cầu triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp nhằm bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản. (Ảnh chụp tại xã Thạch Sơn, Thạch Hà)
Trước diễn biến của bão số 5, chúng tôi đã đi kiểm tra nắm tình hình và hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp phòng chống, nhất là cảnh báo với những vùng có nguy cơ cao… Sau mưa bão, môi trường ao nuôi sẽ bị ảnh hưởng nên chúng tôi khuyến cáo người dân cần kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh Lưu Quang Cần
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã