Giữa những triền dốc của núi đồi Tây Nguyên là những cánh đồng lúa bạt ngàn xanh mướt. Tại huyện Krông Ana (Đắk Lắk), theo nhiều lão nông, cây lúa gắn với bà con từ cái thời xa xưa, thậm chí, còn trước cả lúc cây cà phê, cây tiêu xuất hiện. Tập quán canh tác cây lúa nước của vùng Tây Nguyên hẳn đã hình thành từ đó.
Gần đây, giống lúa ST24 (giống lúa cho sản phẩm gạo ngon đạt danh hiệu top 3 gạo ngon nhất thế giới) trồng nơi đây đã cho kết quả năng suất cao, trung bình từ 8-11 tấn/ha, vượt ngoài mong đợi của bà con. Thị trường rộng mở với nhu cầu dồi dào, khiến giá lúa ST24 cũng cao hơn các giống lúa khác. Bà con phấn khởi mở rộng diện tích gieo trồng để gia tăng nguồn lợi từ cây lúa.
Cứng cây, kháng sâu bệnh cao, đặc biệt là bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá… là những đặc tính khiến giống lúa ST24 được bà con vùng Tây Nguyên ưa thích và rất tâm đắc. Bởi dựa vào đặc tính này, lượng phân thuốc BVTV được bà con sử dụng giảm nhiều so với trước. Cây ít đổ ngã, năng suất cuối vụ đảm bảo, lợi nhuận tăng hơn.
Theo bà Phùng Thị Chanh, huyện Krông Ana, điều băn khoăn lớn nhất với bà con, khi canh tác giống lúa ST24 hiện nay là làm thế nào để tăng cao nhất tỉ lệ nảy mầm của giống, nhất là vụ đông xuân. Bởi vì, mùa vụ này, thời tiết lạnh, có khi xuống thấp chỉ 12-13ºC.
Ông Trương Văn Cao, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện tại, giống lúa ST24, ST25 rất được bà con vùng Tây Nguyên quan tâm và mở rộng canh tác tại nhiều địa phương.
Tuy nhiên, để canh tác thành công giống lúa này, bà con cần chú ý, do vỏ trấu của giống ST24 rất dày nên khi ngâm ủ, bà con cần ngâm từ 36 - 48 tiếng, tương đương 2 ngày 2 đêm. Nếu thời gian ngâm ngắn hơn thì khả năng là tỉ lệ nảy mầm sẽ không đạt.
Ngoài ra, để ứng phó với thời tiết lạnh, bà con nên cần ngâm ủ hạt giống trong điều kiện nước ấm, kết hợp xử lí hạt giống, bón lót trước khi gieo sạ để giúp cây lúa giai đoạn đầu rễ khỏe, mầm khỏe, phát triển tốt, hạn chế bọ trĩ, và nấm bệnh trong 20 ngày đầu giúp cây lúa phát triển sau này tốt hơn.
Về mật độ gieo sạ, bà con không nên gieo sạ quá dày, chỉ nên chọn mật độ vừa phải với khoảng 13 - 15 kg/công, thậm chí ít hơn, dưới 10kg/công. Điều này sẽ giúp cây lúa đẻ nhánh, hấp thu ánh sáng đầy đủ, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại, cho năng suất cao.
Đặc biệt, giống ST24 khi về Tây Nguyên thời gian sinh trưởng kéo dài, khoảng từ 120-125 ngày so với các giống khác chỉ 105 ngày. Riêng vụ đông xuân có thể kéo dài thêm 7-10 ngày so với vụ hè thu. Do đó khi gieo sạ, bà con cần lưu ý tính toán để tránh lúc lúa trổ rơi vào ngay tiết lập xuân. Điều này sẽ giúp hạn chế lép cuối vụ do ảnh hưởng thời tiết lạnh.
Hiện tại, cây lúa đặc sản ST24, với đặc tính giống lúa của ĐBSCL chịu mặn phèn, khi được trồng ở vùng đất cao nguyên của Đắk Lắk cho năng suất cao vượt trội, nhiều nơi đạt đến 11-13 tấn/ha. Theo các nhà khoa học, đồng đất Tây Nguyên giàu dưỡng chất, kết hợp qui trình chăm sóc, bón phân cân đối chính là một trong những lí do giúp cây lúa đặc sản này phát huy tối đa ưu thế năng suất, và phẩm chất hạt gạo của giống.
Trong đó, quy trình canh tác bà con chú trọng bón lót phân hữu cơ, sạ thưa để cây phát triển, đẻ nhánh tốt. Quá trình phát triển của cây, bà con sử dụng phân bón chuyên dùng cho lúa đảm bảo tỉ lệ cân đối NPK và trung vi lượng. Cụ thể:
- Trước khi gieo sạ: bà con bón lót phân Đầu Trâu TEA1, lượng bón 75-90kg/ha.
- Giai đoạn 10-12 ngày sau sạ bà con bón phân Đầu Trâu TEA1, lượng bón 80-100kg/ha. Giai đoạn lúa đẻ nhánh bà con bón phân Đầu Trâu TEA1, lượng bón 80-100kg/ha.
- Giai đoạn đón đòng bà con bón phân Đầu Trâu TEA2, lượng bón 150-175kg/ha.
Hiện nay, cùng với nhiều giống lúa đặc sản, ST24 được bà con sản xuất rộng rãi tại Tây Nguyên. Hầu hết, bà con đều áp dụng sản xuất theo quy trình lúa sạch đảm bảo chất lượng, phẩm chất hạt gạo ngon, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo Hồng Huệ/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã