Tại vùng nuôi tôm Xuân Phổ, người người hối hả truyền tay nhau những rổ tôm đầy ắp, tiếng nói cười rôm rả. Những ao nuôi đã thu hoạch đang được cải tạo chuẩn bị cho vụ nuôi tiếp theo. Anh Trần Huy Linh - chủ một đầm tôm phấn khởi cho biết: “Đây là năm thứ 2 tôi đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trên cát. Vụ tôm đầu năm nay thật sự trúng đậm, không chỉ được mùa mà còn trúng giá. Với diện tích 2 ha được chia thành 6 ao nuôi, tôi thả gần triệu con giống. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, mẻ đầu tiên thu được 9 tấn, mẻ tiếp theo 10 tấn”.
Thu hoạch tôm ở Xuân Phổ. Ảnh: Hữu Trung |
“Vui hơn, tôm năm nay lại được giá, mỗi kg cỡ 50-52 con bán với giá 180 nghìn đồng, còn lại bình quân cũng tầm 120 nghìn đồng/kg. So với năm trước, năm nay, tôm không bị dịch bệnh, thời tiết lại thuận lợi, lợi nhuận gấp 2-3 lần. Hiện tại, tôi thuê máy móc cải tạo ao đầm, đắp cao bờ chuẩn bị nuôi tiếp vụ 2” - anh Linh cho biết thêm.
Mô hình nuôi tôm thâm canh của anh Lê Sỹ Hải (xã Cương Gián) vừa thu hoạch 8 tấn trên diện tích 7.000 m2, trị giá 1 tỷ đồng. Với anh Hải, vụ tôm năm nay chưa thật hài lòng về sản lượng nhưng bù lại giá bán cao hơn nhiều so với những năm trước. Không chỉ nuôi tôm thương phẩm, anh Hải còn ương dưỡng tôm giống cung cấp cho thị trường, giải quyết phần nào về việc thiếu hụt con giống trên địa bàn.
Ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ cho biết: Xuân Phổ là vùng đất có tiềm năng, lợi thế đầu tư nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao trên cát. Toàn xã hiện có 5 mô hình nuôi thâm canh với diện tích 14 ha được người dân đầu tư bài bản. Vụ tôm xuân hè năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, người dân thực sự chú trọng về con giống, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên hầu hết đều mang lại hiệu quả cao. Trong đó, nhất là các mô hình nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao trên cát. Những mô hình này cho sản lượng từ 6-10 tấn/ha, mang lại giá trị kinh tế cao.
Gia đình anh Trần Huy Linh thu hoạch tôm xuân hè. Ảnh: Hữu Trung |
Năm nay, Nghi Xuân có 450 ha nuôi trồng thủy sản nước lợ, trong đó vụ xuân hè có 200 ha nuôi tôm sú và 100 ha nuôi tôm thẻ chân trắng; diện tích còn lại nuôi cua, cá và các đối tượng hải sản khác. Năm nay, khoảng 90% hộ nuôi tôm ở Nghi Xuân được mùa, được giá. Đến thời điểm này, người dân cơ bản thu hoạch xong vụ tôm xuân hè 2013, sản lượng ước đạt 450 tấn các loại.
Kỹ sư thủy sản Trịnh Quang Luật - cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Nghi Xuân cho biết: Vụ tôm năm nay được mùa trước hết là nhờ người nuôi tôm chú trọng việc đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, nạo vét kênh cấp, kênh tiêu và điều hành nước hợp lý cho các vùng nuôi. Mặt khác, người nuôi đều thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật cải tạo ao đầm, chọn con giống chất lượng, thả đúng mật độ, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi. Đặc biệt, huyện kịp thời dập dịch tại một số vùng nuôi tôm bị bệnh chết rải rác, nên hạn chế được dịch bệnh lây lan. Một yếu tố quan trọng đó là thời tiết thuận lợi, tạo môi trường cho tôm sinh trưởng và phát triển.
Sau thu hoạch, nhiều diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện đang được bà con tiếp tục cải tạo ao đầm, thả giống nuôi tôm vụ đông...
Hoàng Long
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã