Tham dự Diễn đàn, có ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; các ông Ngô Tấn, Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam; 250 đại biểu đại diện các ban ngành, đoàn thể của tỉnh Quảng Nam; đại diện Trung tâm Khuyến nông và bà con nông dân của 7 tỉnh, thành phố miền Trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định... Đông đảo cơ quan thông tấn báo chí tham dự và đưa tin về Diễn đàn.
Báo cáo đề dẫn của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp đang sản xuất ra nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản có sản lượng đứng trong nhóm dẫn đầu thế giới. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang có 10 sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu chính, trong đó 08 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là: cà phê, cao su, gạo, thủy sản, điều, hồ tiêu, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản. Nhiều sản phẩm nông sản đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước và được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên hiện nay, 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Bên cạnh đó, vẫn còn đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt là các sản phẩm này được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của các loại nông sản Việt trên thị trường còn yếu và phải chịu nhiều thiệt thòi.
Trong khi đó, những năm gần đây sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp ngày càng phát triển. Một số địa phương đã hình thành vùng chuyên canh, sản xuất tập trung lớn cho các sản phẩm có thế mạnh. Tuy nhiên, phần lớn quy mô sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thật sự có vùng chuyên canh đúng nghĩa; đồng thời yếu trong liên kết chuỗi giá trị, liên kết vùng miền. Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại, thị trường xuất khẩu nông sản ngày càng mở rộng nhưng cũng đi kèm với áp lực cạnh tranh gay gắt. Việc xây dựng và quảng bá, tạo sức cạnh tranh riêng cho nông sản Việt là vấn đề có tính chiến lược, trong đó bao hàm cả việc phát triển thương hiệu sau khi đã đăng ký, tạo dấu ấn trong người tiêu dùng để đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế.
Sau khi nghe các báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn, trên 40 câu hỏi đã được bà con nông dân và các đại biểu gửi tới Ban chủ tọa, tập trung vào vấn đề liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, chính sách của nhà nước liên quan tới chủ đề của Diễn đàn.... Các câu hỏi đã được các nhà quản lý, nhà khoa học giải đáp thỏa đáng ngay tại Hội nghị. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản hiện nay, đó là: Việt Nam chưa có một chương trình tổng thể về xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực, làm căn cứ định hướng để địa phương, doanh nghiệp xác định mặt hàng, thị trường tập trung làm thương hiệu. Việc tổ chức sản xuất theo quy hoạch xây dựng các vùng chuyên canh chưa đạt được mục tiêu đề ra; công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản còn nhiều vướng mắc, các văn bản quy phạm pháp luật có tính ổn định không cao; công tác nghiên cứu thị trường chủ yếu mang tính thời điểm, phần lớn tập trung vào thu thập thông tin giá cả hơn là các thông tin phục vụ phân tích, dự báo...
Kết luận tại Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh:
Thương hiệu là một trong các nhân tố quan trọng để doanh nghiệp tạo uy tín nhằm duy trì, mở rộng giữ thị trường một cách minh bạch, văn minh, chống cạnh tranh không lành mạnh. Để phát triển sản xuất hàng hóa lớn tham gia vào thị trường trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu mạnh cho mình, thương hiệu là hình tượng của doanh nghiệp cũng như mặt hàng sản phẩm của doanh nghiệp.
Đối với người tiêu dùng: Thương hiệu giúp xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuộc tính của sản phẩm; giúp khách hàng tiết kiệm chi phí tìm kiếm sản phẩm, giảm rủi ro khi quyết định mua một sản phẩm. Vì vậy, thương hiệu là yếu tố chủ yếu quyết định khách hàng mua sản phẩm.
Thương hiệu không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Khi vào hội nhập vào thị trường quốc tế sẽ gắn với hình ảnh quốc gia thông qua nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đặc tính sản phẩm. Ngành nông nghiệp có nhiều thương hiệu nổi tiếng thì khả năng cạnh tranh càng cao.
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là một yếu tố quan trọng thúc đẩy xây dựng thương hiệu hàng hóa cho doanh nghiệp. Chiến lược phát triển sản phẩm và phân phối sản phẩm là cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Sản xuất theo quy mô lớn, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng đảm bảo theo yêu cầu của khách hàng, cung cấp thường xuyên cho doanh nghiệp là cơ sở bền vững cho hình thành và duy trì phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.
Các giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, bao gồm: Tổ chức nông dân; Áp dụng tối đa công nghệ mới để giảm giá thành nông sản, tăng lợi nhuận, hiệu quả kinh tế; Cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý, nhà khoa học và cơ quan khuyến nông; Cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước về chính sách tín dụng và các mô hình, đào tạo khuyến nông; Cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển.
Đề nghị, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tập trung thúc đẩy công tác tư vấn cho nông dân về tổ chức sản xuất, kỹ thuật, hồ sơ thủ tục đăng ký xây dựng nhãn mác hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm.
Theo Việt Oanh/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã