Các chuyên gia đầu ngành cho rằng, muốn nâng số lượng và chất lượng CĐL đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời, cơ chế chính sách hợp lý để doanh nghiệp (DN) vào cuộc tích cực hơn.
Nhiều suy ngẫm
Theo số liệu thống kê từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), năm 2014, mô hình CĐL ở ĐBSCL thực hiện được 146.207ha, chiếm khoảng 3,4% tổng diện tích canh tác lúa của vùng. Năm 2015, mô hình này mở rộng lên khoảng 206.440ha, chiếm khoảng 4,8% tổng diện tích canh tác lúa dự kiến.
Quy mô của cánh đồng mẫu lớn ở khu vực ĐBSCL vẫn còn nhỏ và thiếu tính liên kết.
Tiến sĩ Lưu Hồng Mẫn, Phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và DN, giữa nông dân với nông dân vẫn rời rạc. Năm 2014, diện tích lúa được bao tiêu sản phẩm chỉ chiếm khoảng 7,7% tổng diện tích canh tác lúa và chiếm khoảng 28% diện tích CĐL.Quy mô CĐL hiện vẫn còn quá nhỏ”.
Thực tế thấy, CĐL thực hiện hiệu quả nhất khi DN đầu tư khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Tuy nhiên, cách làm này khó nhân rộng vì năng lực của DN hiện chỉ có thể cung ứng “đầu vào” hoặc bao tiêu sản phẩm “đầu ra” chứ không thể làm cả hai khâu cùng lúc.
Ông Vũ Quang Cảnh, Phó trưởng Phòng Nông sản thực phẩm, Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), cho biết: “Tham gia mô hình CĐL, các công ty thành viên triển khai 3 phương thức hợp đồng. Phương thức 1: hợp đồng sản xuất, tiêu thụ lúa có đầu tư giống, vật tư nông nghiệp đầu vào với giá ổn định, hợp lý, trả chậm sau 4 tháng. Phương thức 2: chỉ đầu tư giống hoặc vật tư nông nghiệp. Phương thức 3: chỉ hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện hợp đồng theo phương thức 1 và 2 giúp DN kiểm soát được chất lượng đầu vào, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vốn đầu tư giống, vật tư nông nghiệp và cơ sở vật chất (kho chứa, lò sấy) rất lớn trong khi điều kiện tài chính và nguồn nhân lực của các công ty có hạn”.
Các chuyên gia đầu ngành nhận định, mối liên kết “4 nhà”, đặc biệt là liên kết giữa nông dân và DN đóng vai trò then chốt quyết định sự thành bại của mô hình. Nông dân cần dịch vụ phục vụ sản xuất lúa (giống, vật tư nông nghiệp…) tốt nhất với giá thấp nhất; lúa được mua đúng thời điểm, giá cả phù hợp. Còn DN cần nông dân tuân thủ các quy trình sản xuất, cam kết có đúng và có đủ lúa với những phẩm chất theo đặt hàng. “Mối liên kết này nhằm đi đến kết quả cuối cùng là để 2 bên cùng thắng. Nhưng đến nay, giữa nông dân và DN vẫn chưa hài hòa được yếu tố nhu cầu và lợi ích”, PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, nói.
Mặt khác, trình độ sản xuất của nông dân không đồng đều, một số ít còn bảo thủ, chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến việc hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu của DN.
Ràng buộc bằng niềm tin
Theo định hướng của ngành nông nghiệp, mô hình CĐL từng bước hình thành 5 dạng hình vùng nguyên liệu: CĐL canh tác giống lúa Jasmine; CĐL canh tác giống lúa cho gạo trắng hạt dài chất lượng cao; CĐL trồng giống lúa đặc sản; CĐL canh tác giống nếp và giống lúa hạt tròn (Japonica); CĐL canh tác giống lúa chất lượng trung bình và giống lúa chất lượng thấp. “Mô hình CĐL đã bước qua giai đoạn 2: Xây dựng vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu (giai đoạn 1 là xây dựng mô hình CĐL). Và mục tiêu giai đoạn 3 là hình thành vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu chất lượng lúa, gạo Việt Nam. Vì vậy, vấn đề liên kết “4 nhà” cần được thắt chặt hơn nữa. Liên kết để cùng thắng giữa nông dân và DN không chỉ có ý nghĩa với từng hộ nông dân, từng DN riêng lẻ mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của địa phương và của quốc gia. Tuy nhiên, sự liên kết này không thể nói suông mà phải có sự ràng buộc bằng niềm tin và hợp đồng thương mại”, PGS.TS.Phạm Văn Dư nhấn mạnh.
Về phía DN, ông Cảnh cho biết: “Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu CĐL là một trong 3 giải pháp chiến lược của Vinafood 2 nhằm thay đổi tư duy tiếp cận thị trường từ phương thức mua “gạo” sang mua “lúa”. Năm 2015, công ty phấn đấu nhân rộng CĐL khoảng 50.000ha. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích CĐL đạt 800.000ha (chiếm 20% diện tích gieo trồng của vùng ĐBSCL), sản lượng đạt hơn 1,532 triệu tấn lúa. Hiện công ty đã hoàn tất phương án xây dựng CĐL năm 2015 và đang trong giai đoạn lập dự án CĐL giai đoạn 2015-2020 trình Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt”.
Tuy nhiên, theo ông Cảnh, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện CĐL thì cần phải gỡ nút thắt trong việc thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL. Bởi nhiều địa phương đến nay vẫn chưa lập quy hoạch, kế hoạch phát triển CĐL do thiếu kinh phí thực hiện. Điều này dẫn đến phương án xây dựng CĐL của DN chưa được phê duyệt từ đó khó tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cơ sở vật chất và triển khai xây dựng CĐL.
Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song các tỉnh, thành vùng ĐBSCL xác định tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình CĐL. Năm 2015, CĐL ở TP.Cần Thơ dự kiến phát triển với diện tích khoảng 20.000ha tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, Phong Điền và quận Thốt Nốt. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Cần Thơ, cho biết: “Để CĐL phát huy tối đa hiệu quả, thành phố tiếp tục hoàn thiện hệ thống tưới tiêu, thủy lợi kết hợp giao thông thủy bộ nhằm giảm chi phí vận chuyển, đẩy nhanh cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất và thu hoạch. Đồng thời, nâng cao năng lực nông dân trong xây kho bảo quản lúa, ứng dụng công nghệ sấy theo quy mô nhóm nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã giúp nông dân chủ động hơn trong việc tồn trữ lúa khi vào vụ thu hoạch rộ, chờ giá bán tốt nhất”.
Theo bà Kiều, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp; phân bổ vốn để hiện đại hóa khâu bảo quản, chế biến từ đó nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị của sản phẩm lúa gạo…
Mỹ Thanh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã