TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là hướng đến giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vậy, chúng ta có thể nhìn nhận kết quả này trong tổng thể năm 2014 như thế nào?
Từ cuối năm 2013 khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ NN&PTNT đã cố gắng quyết liệt triển khai và biến đây thành phong trào sâu rộng, phối hợp chặt chẽ với các địa phương.
Hiện nay, Bộ đã ra một loạt đề án tái cơ cấu tiểu ngành nhỏ, các kế hoạch hành động và đã có 24 văn bản liên quan tới vấn đề này. Đã có 45/63 tỉnh, thành phố xây dựng đề án và một số địa phương đã đi vào triển khai quyết liệt theo định hướng tái cơ cấu làm sao nâng cao giá trị gia tăng, hướng theo tín hiệu thị trường, có tăng trưởng bền vững hơn.
Nhìn chung, một số thành tựu đầu tiên của tăng trưởng và phát triển nông thôn trong năm 2014 đã cho thấy thành tựu bước đầu của Đề án tái cơ cấu, nhất là tăng trưởng nông nghiệp được khôi phục trở lại.
Chúng ta thấy, từ 2008 tăng trưởng đều thấp hơn giai đoạn trước rất nhiều, dưới 3%, trừ năm 2011 được 3,2% (năm này tận dụng vào tăng giá thế giới rất nhiều). Năm 2014 là năm khá đặc biệt, giá thế giới không hẳn đã tăng cao như năm 2011, nhưng tăng trưởng nông nghiệp phục hồi ở mức 3,49%, cao hơn hẳn năm 2013, chỉ được 2,67%.
Xuất khẩu năm nay đạt mức kỷ lục 30,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Chất lượng tăng trưởng của ngành đã được cải thiện đáng kể, thể hiện qua chỉ số giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất đã tăng từ 57% năm 2010 lên 67,8 % năm 2014. Điều này tạo điều kiện tăng lãi và tăng thu nhập của nông dân.
Như ông vừa nói, giá trị xuất khẩu năm nay đạt mức kỷ lục 30,8 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng trên đà hồi phục với mức tăng khá. Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả tăng trưởng và giá trị xuất khẩu mà ngành Nông nghiệp đạt được trong năm nay cho thấy hướng đi đúng trong quá trình tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Tôi nghĩ đây là nhận định hoàn toàn chính xác.
Từ Đề án tái cơ cấu và nhìn cách các địa phương đang triển khai, tôi nghĩ chúng ta đang đi đúng định hướng về phát huy lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm, khơi thông thị trường, tập trung vào chất lượng và giá trị hơn là số lượng sản phẩm thô; giảm chi phí đầu vào, chi phí giao dịch. Và quan trọng nhất vẫn là tăng lãi và tăng thu nhập cho người nông dân.
Trong thực tế, chúng ta thấy những biến chuyển rất mạnh mẽ ở các ngành, lĩnh vực được tái cơ cấu. Trong ngành trồng trọt, lúa có giảm đi và chúng ta chuyển bớt sang trồng ngô, rau màu có giá trị cao hơn, lãi cao hơn. Các cây công nghiệp xuất khẩu tiếp tục phát triển.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, năm nay chúng ta cố để đưa ra một số đột phá để làm sao ít nhất đảm bảo được nhu cầu thị trường trong nước, đỡ gây bất ổn thị trường cho người tiêu dùng.
Những ngành có nhiều dư địa tăng trưởng năm nay đạt thành tựu ấn tượng như: Thủy sản tăng giá trị sản xuất 6%, trong đó nuôi trồng tăng 12,8%, xuất khẩu đạt gần 8 tỷ USD, tăng 18% so với năm ngoái; ngành Lâm nghiệp tăng trưởng vẫn tiếp tục ở mức khá ấn tượng là 6,6%, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6,5 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường ngày càng được khơi thông.
Bộ NN&PTNT có một loạt chủ trương để nối kết, khơi thông thị trường thanh long, nhãn, vải sang các nước khác.
Đáng lưu ý, trong năm nay, xuất khẩu chủ yếu dựa trên việc tăng giá trị của sản phẩm, chứ không chỉ dựa trên khối lượng xuất khẩu thô.
Tính bền vững của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phải dựa trên cơ sở nền tảng quan trọng nhất là nâng cao đời sống cho người nông dân. Ảnh minh họa |
Có một loạt mặt hàng tăng giá trị xuất khẩu chứ không chỉ tăng khối lượng xuất khẩu. Ví dụ như xuất khẩu chè khối lượng giảm 5,2%, nhưng giá trị tăng 0,3%; hạt điều tăng 18,2% về khối lượng nhưng tăng tới 22,6% về giá trị; hồ tiêu tăng 18,1% về khối lượng và tăng mạnh tới 35,7% về trị giá.
Năm 2014 là năm đầu tiên ghi nhận, có một số thời điểm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn Thái Lan với cùng chủng loại.
Mặc dù năm 2014 được đánh giá là một năm tương đối thành công của ngành Nông nghiệp, nhưng đứng trên góc độ sản xuất hiện nay, nông dân vẫn chưa thực sự thoát khỏi tình trạng tự bơi trong khi phải đối phó với rất nhiều rủi ro thường trực. Liệu có đáng lo ngại về tính bền vững trong tái cơ cấu ngành trước thực tế này, thưa ông?
Tính bền vững của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phải dựa trên cơ sở nền tảng quan trọng nhất là nâng cao đời sống cho người nông dân. Có động lực thì 10 triệu hộ nông dân mới phát huy toàn bộ tinh thần sáng tạo, năng lực của họ để tham gia cùng tái cơ cấu.
Để xử lý được chuyện bền vững này, cần xem xét cả cấp độ vĩ mô và vi mô. Ở cấp độ vi mô, chúng ta đã xác định rất rõ là việc tăng quy mô, phát triển kinh tế hợp tác, thu hút đầu tư tư nhân, nối kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, rồi tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn chậm, cơ bản vẫn là hộ quy mô nhỏ khoảng 0,5ha.
Điểm tích cực trong thời gian qua là sự phát triển của mô hình cánh đồng lớn, chủ yếu trong ngành lúa gạo tại ĐBSCL, cần tiếp tục tổng kết và nhân rộng. Kinh tế hợp tác tiếp tục phát triển, nhưng nhìn chung còn yếu; cần nhanh chóng xây dựng cơ chế chính sách riêng cho phát triển HTX và trang trại nông nghiệp.
Điểm mấu chốt nhất là huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, làm đầu tàu về thị trường, vốn và công nghệ để dẫn dắt chuỗi giá trị nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.
Ở tầm vĩ mô, rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành, giữa các địa phương, giữa tư nhân và Nhà nước. Bộ NN&PTNT đã và đang cố gắng đến mức cao nhất trong việc rà soát lại quy hoạch, phân bổ đầu tư công một cách hợp lý hướng đến các sản phẩm có lợi thế và xử lý các điểm tắc nghẽn trong chuỗi giá trị nông sản.
Tuy nhiên, có một loạt công việc liên quan đến tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ NN&PTNT rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành khác như vấn đề về đất đai, cơ sở hạ tầng như điện, đường, hạ tầng thương mại nông sản, vốn vay cho doanh nghiệp và nông dân, cơ chế xuất nhập khẩu, đàm phán và xúc tiến thương mại, thuế/phí, tỷ giá hối đoái, phát triển các ngành công nghiêp-dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Đồng thời, rất cần cơ chế phối hợp giữa bộ và các địa phương, giữa các địa phương trong việc phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương và tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia trong phát triển các chuỗi giá trị nông sản.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với lộ trình tất yếu phải thực hiện, nhiều hiệp định được ký kết sẽ tạo ra một cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Nếu việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp không tiến hành một cách khẩn trương, thìnông sản Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức như thế nào, thưa ông?
Hội nhập kinh tế quốc tế cho ngành nông sản với một loạt những hiệp định đã và đang đàm phán cho thấy những đàm phán ở mức độ mở cửa thị trường cao nhất.
Với tư cách ngành có lợi thế về cạnh tranh, ngành Nông nghiệp kỳ vọng rất nhiều sẽ mở cửa thị trường, tiếp cận được vốn, tiếp cận khoa học công nghệ, nâng cấp sản phẩm đối với thị trường thế giới.
Tuy nhiên, cũng có một số ngành mà lợi thế cạnh tranh của chúng ta còn thấp như ngành thịt, đậu nành, bông... Chúng ta phải tính một cách tương đối - chúng ta được cái này thì cũng phải bỏ ra cái kia.
Song, rút kinh nghiệm từ những lần hội nhập trước, đặc biệt hội nhập WTO, nếu chuẩn bị một cách sẵn sàng, thì chúng ta sẽ tận dụng được nhiều nhất cơ hội và biến nguy cơ thành một cơ hội mới về nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị.
Để làm được điều đó, chúng ta cần xác định những sản phẩm, những chuỗi ngành hàng lợi thế để đẩy chất lượng, năng lực cạnh tranh trong từng khâu, từng chuỗi; rồi kéo doanh nghiệp vào, đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp lên...
Đồng thời, phải xây dựng được lực lượng chuyên gia chuyên nghiệp về triển khai các chương trình hội nhập kinh tế quốc tế, về đàm phán, về thương thuyết, về xử lý tranh chấp.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Hương (thực hiện)
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã