Phát triển công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là “chìa khóa vàng” mở ra một trang mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khiến cho việc đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp vẫn chưa đạt được kết quả cao. Đó là cơ sở để nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn nước ta đã hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, trong thực tế việc đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp từ cấp T.Ư đến các địa phương vẫn triển khai chậm. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xây dựng, đưa vào hoạt động và quy hoạch tại 12 tỉnh, thành phố.
Một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bắt đầu được hình thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hậu Giang... Tuy nhiên, hoạt động của các khu công nghiệp công nghệ cao này còn rất hạn chế do đầu tư chưa đồng bộ, tập trung; cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp còn thiếu hấp dẫn, tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Việc lựa chọn mô hình, sản phẩm, lựa chọn công nghệ để sản xuất chưa phù hợp; chi phí đầu tư, vận hành quá cao dẫn đến sản xuất không hiệu quả. Một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội, Hải Phòng được đầu tư hàng chục tỷ đồng để nhập công nghệ trọn gói của nước ngoài nhưng chưa thành công.
Thực tế những năm qua, tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, tăng trưởng ngành nông nghiệp các giai đoạn: 1996- 2000 ở mức 4,01%, 2001- 2005 là 3,83%, 2006- 2010 là 3,03%, 2009- 2013 chỉ còn 2,9%. Phần lớn nông sản của Việt Nam đang được xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng rất thấp, nhiều loại nông lâm thủy sản chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Sau gần 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp nước ta đã có nhiều bước phát triển với thành tựu đáng khích lệ. Nhưng bên cạnh đó cũng phát hiện nhiều hạn chế mang tính cơ cấu trong ngành, đòi hỏi phải thay đổi để ngành nông nghiệp phát triển với tốc độ nhanh, bền vững, đem lại lợi ích cao hơn cho người dân và doanh nghiệp”.
Trước thực tế đó, vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp hiện nay cần phải có một cuộc cách mạng lớn nhằm thay đổi hoàn toàn phương thức sản xuất cũ. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của WTO thì những phương thức sản xuất quy mô nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, thiếu tính liên kết… sẽ cản trở sự tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. Vì vậy, việc tái cơ cấu mạnh mẽ nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, liên kết sản xuất theo quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao, bền vững là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Mặc dù thực tế đang đòi hỏi ngành nông nghiệp cần có những bước đột phá mạnh mẽ để thay đổi hoàn toàn diện mạo cũ. Tuy nhiên, những bất cập về đất đai, thuế, tín dụng là những nguyên nhân trực tiếp hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn An - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam cho rằng, ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tốt, tạo ra giá trị hàng hóa chất lượng cao và giá trị xuất khẩu lớn. Thành công đã thấy rõ từ những mô hình thí điểm nhưng để nhân rộng những điển hình thì vẫn còn nhiều hạn chế. Ông An phân tích: “Việc phát triển công nghệ cao để tiếp cận tín dụng không dễ trong khi để làm được việc đó các doanh nghiệp cần rất nhiều vốn. Mặt khác, nông nghiệp trước đây chủ yếu đầu tư với quy mô nhỏ nên việc tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi rất khó. Ngoài ra, việc tiếp cận công nghệ cao cần thêm nhiều chính sách tích tụ đất đai, đất tốt mới tạo ra giá trị cao còn đất xấu, đất nghèo cũng không thể áp dụng được”.
Nhìn ở góc độ chuyên gia, TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp cho rằng, ngoài những yếu tố như đất đai, tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng thì yếu tố con người - nguồn nhân lực cũng rất quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. “Bước đột phá ở đây chính là cần thay đổi tư duy sản xuất và tư duy quản lý, hướng sản xuất tập trung vào cái thị trường cần và nâng cao giá trị gia tăng. Theo đó, sản phẩm cũng bảo đảm chất lượng theo chuỗi phát triển bền vững” - TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn - Ban Kinh tế Trung ương, để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao cần tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp. Cần xây dựng, nâng cao hiệu quả các khu nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần có sự liên kết chặt chẽ giữa năm nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà tư vấn và nhà nông, trong đó sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của phát triển nông nghiệp công nghệ cao tạo cầu nối cho các sản phẩm nông nghiệp tiếp cận với thị trường; từ đó sẽ tạo nguồn động lực hỗ trợ người nông dân áp dụng sản xuất” - ông Tiến nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay không phải chỉ là điều chỉnh nhỏ mà cần có một cuộc cách mạng lớn, đổi sang giai đoạn khác mà trước tiên là cần đổi mới trong nhận thức và cơ chế chính sách. Không phải tái cơ cấu là thay đổi giải pháp về kỹ thuật mà cần hỗ trợ trong chính sách tiền tệ, tài chính, thương mại, đất đai và lao động.
Để làm được cuộc cách mạng đó, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát thì không chỉ cần sự nỗ lực từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà cần có sự ủng hộ của các bộ, ban ngành khác, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự ủng hộ của hàng triệu nông dân cũng như hàng nghìn doanh nghiệp. “Chính nông dân và các doanh nghiệp sẽ làm lên những thành công của cuộc cách mạng này” - Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.
T.H
Theo vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã