Tham dự hội thảo có đại diện một số ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội NDVN; các cơ quan quản lý, nghiên cứu thuộc Bộ NNPTNT; đại diện Hội ND, doanh nghiệp và ND trực tiếp sản xuất tại 5 tỉnh, thành phố - những nơi tiến hành nghiên cứu. Hội thảo nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Hội NDVN và Hội ND châu Á vì sự phát triển bền vững nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện sáng kiến “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp” được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2010.
Nghiên cứu của T.Ư Hội NDVN về mô hình đối tác công-tư, liên kết “4 nhà” được tiến hành tại 5 tỉnh Đăk Lăk, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, với các ngành hàng mía đường, miến dong, chè và cà phê. Báo cáo của nhóm nghiên cứu cho thấy, tại các điểm khảo sát, các mô hình liên kết “4 nhà”, đối tác công-tư đã tạo được nền móng cho phát triển nông nghiệp bền vững.
Tham gia liên kết “4 nhà”, đối tác công-tư, ND được hỗ trợ tốt hơn về nâng cao kiến thức, kỹ năng tay nghề; cải thiện chất lượng nông sản, việc làm ổn định, thu nhập tăng... So với mô hình hợp tác liên kết “4 nhà”, mô hình hợp tác công-tư thể hiện rõ nét hơn, chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa các bên như nhà quản lý, nhà khoa học hoặc đơn vị làm dịch vụ khuyến nông, doanh nghiệp và ND.
Tại tỉnh Đăk Lăk, mô hình hợp tác công-tư đang được áp dụng trên cây cà phê. Được địa phương tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, các HTX, ND trồng cà phê đang hợp tác với Công ty Nestle. Doanh nghiệp hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, quy trình canh tác, phối hợp với ngân hàng cho ND vay vốn ưu đãi để trồng cà phê. Sản phẩm cà phê nguyên liệu được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn giá thị trường…
Bên cạnh những ưu điểm, nhiều đại biểu cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế. Đối với các mô hình liên kết “4 nhà”, tính chất liên kết rất lỏng lẻo, nhất là giữa doanh nghiệp và ND. Vai trò chủ trì của nhà quản lý, chính quyền các cấp trong liên kết “4 nhà” mờ nhạt, cơ chế để nhà khoa học tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, ND chưa rõ ràng, chưa tạo được động lực. Điểm khó khăn, hạn chế lớn nhất trong liên kết “4 nhà” thời gian vừa qua là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, kể cả doanh nghiệp và ND, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa thấp.
Tuy đang định hình rõ nét tính chất sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao, nhưng mô hình hợp tác công-tư cũng bộc lộ không ít khó khăn. “Sự tham gia của khối công còn hạn chế, cơ chế quản lý khi nhà nước tham gia vốn đối ứng với doanh nghiệp chưa rõ ràng. Doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu thu mua nông sản qua thương lái, không đầu tư trực tiếp cho ND…”- bà Hoàng Mai Hương - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Phương Đông
Nguồn danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã