Học tập đạo đức HCM

Không gỡ hạn điền, đừng mong sản xuất lớn

Thứ sáu - 25/05/2018 08:45
Đó là đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018 nhằm phát triển một nền nông nghiệp lớn và bền vững.

Làm “nông nghiệp từ thiện” đến bao giờ?

Giải cứu nông sản, làm nông nghiệp kiểu “từ thiện”, tháo gỡ hạn điền trong Luật Đất đai,… là những vấn đề nóng trong nông nghiệp, nông dân,  nông thôn được các đại biểu đề cập đến trong phiên thảo luận sáng 25.5.

Ngay trước khi phiên thảo luận “nóng” lên tại nghị trường Quốc hội, trả lời báo chí, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) đã cho rằng, để không còn thêm những cuộc giải cứu nông sản như trong thời gian qua, việc tổ chức sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu, cơ cấu sản xuất phải hướng đến chất lượng cao.

“Chúng ta có thiên thời, địa lợi, nhân hòa, được khí hậu ủng hộ để phát triển một nền nông nghiệp phong phú vậy tại sao nông dân vẫn nghèo, nông sản vẫn phải giải cứu. Vì vậy, tôi mong tại hội trường Diên Hồng này các đại biểu cần dành nhiều thời gian để tranh luận đến cùng vấn đề nông nghiệp, nông thôn, bởi nơi này đang chiếm đến 60% dân số, 40% lao động, nếu giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông thôn sẽ làm được nhiều việc cho đất nước”, ông Ngân nói.

 khong go han dien, dung mong san xuat lon hinh anh 1

Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) phát biểu tại hội trường.

Theo ĐB Nguyễn Thanh Xuân (TP.Cần Thơ), mặc dù năm qua ngành nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu, tốc độ tăng trưởng đạt 2,9%, kim ngạch xuất khẩu tăng cao, đạt hơn 36 tỷ USD, nhiều ngành hàng có sự đột phá, người dân đánh giá cao những nỗ lực của ngành nông nghiệp nhưng trong nội tại của ngành vẫn còn nhiều bất ổn, việc sản xuất vẫn theo phong trào, tự phát mà chưa tạo được sự gắn kết giữa sản xuất và nhu cầu thị trường, dự báo thị trường chưa đạt yêu cầu, hệ thống phân phối chưa đồng bộ, hiệu quả; quá trình xây dựng thương hiệu đã được triển khai nhưng quá chậm; hàng rào kỹ thuật của các nước dựng lên gây khó khăn cho sản xuất trong nước. Trong đó, một vấn đề vô cùng “nóng” là EC rút “thẻ vàng” với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam do vi phạm về truy xuất nguồn gốc, khai thác không có báo cáo (IUU) nhưng chưa được khắc phục.

Ông Xuân cho rằng, chính những bất ổn này khiến người nông dân bất an. “Đề nghị Bộ NNPTNT, Chính phủ có giải pháp đột phá, đủ mạnh để không phải lặp lại tình trạng giải cứu nông sản, đẩy mạnh quá trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực”, ông Xuân nói.

 Đồng tình với quan điểm này, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, bức tranh sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, chỉ qua sơ chế, chưa có chế biến sâu, nông nghiệp công nghệ cao chưa phát triển, chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, có đến 80% lượng giống được nhập khẩu, công nghệ cũng chủ yếu của nước ngoài nên kìm hãm sự tăng trưởng của ngành. Ông Hàm ví von đó là: “Khoảng lặng của sự tăng trưởng”.

Theo ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long), một trong những lý do khiến nông sản thời gian qua phải giải cứu, phải trông đợi vào sự “từ thiện” của mọi người là do công tác dự báo thị trường chưa tốt, chưa sát với tình hình thực tế. “Làm sao phải rà soát, xây dựng tốt quy hoạch sản xuất của từng vùng và có cơ chế để giám sát việc thực hiện quy hoạch đó. Bộ NNPTNT cũng phải có giải pháp đối với những sản phẩm nông sản chủ lực không xuất khẩu được thì phải làm thế nào, không thể cứ kêu gọi giải cứu như hiện nay”, ông Công nói.

Chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Đặt câu hỏi: “Tại sao năm nào chúng ta cũng phải giải cứu nông sản, hết thanh long, dưa hấu, chuối, xoài đến củ cải, khoai tây khiến hàng vạn nông dân lao đao, thậm chí nhiều người phá sản?”, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng:  Chúng ta đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo bàn cách giải cứu các loại nông sản, vậy tại sao không tổ chức hội nghị bàn giải pháp không phải giải cứu nông sản nữa?. “Theo tôi, để không còn những cuộc giải cứu nông sản tương tự trong tương lai, không còn ngành nông nghiệp kiểu từ thiện như thời gian qua thì phải gấp rút hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó hướng tới xây dựng ngành hàng nông sản”, ông Hòa khẳng định.

 khong go han dien, dung mong san xuat lon hinh anh 2

Nông dân Quảng Trị vừa phải kêu gọi giải cứu ớt. Ảnh: IT.

Tuy nhiên, theo ông Hòa, việc chuyển tư duy này không phải một vài mùa vụ hay tự phát ở nơi riêng lẻ, một vài địa phương tự triển khai mà cần có hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghệ chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường. Muốn vậy, cần đổi mới công tác khuyến nông theo hướng không chỉ hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng sản lượng mà hỗ trợ người sản xuất tiếp cận thông tin thị trường, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản và phát triển thị trường.

Còn ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, sở dĩ sản xuất nông nghiệp chưa thực sự bền vững là do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các “nhà”, vì vậy phải tăng cường liên kết để đẩy mạnh phát triển sản xuất.

Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Trà (Phú Yên) lại đề cập đến những khó khăn của 1,5 triệu người trồng mía bởi những tác động của các hiệp định thương mại. “Nên chăng, cần có chính sách hỗ trợ, giải cứu những đối tượng này”, ĐB Trà nêu câu hỏi.

ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị Bộ NNPTNT cần đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm nông nghiệp để hỗ trợ nông dân nhiều hơn trong sản xuất, đồng thời thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, có kế hoạch, quy hoạch sản xuất cụ thể, minh bạch, cung cấp thông tin thị trường cho người dân, doanh nghiệp để sản xuất một cách chủ động.

Phải gỡ bỏ hạn điền              

Đó là đề xuất của ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Theo ông Công , đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề lớn, liên quan đến đời sống của đến 60% dân số. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 đã giám sát vấn đề này. Tại Báo cáo giám sát số 60, ngày 31.5.2012, nhiều vấn đề ưu điểm, hạn chế của vấn đề đầu tư công cho tam nông đã được chỉ ra. “Nhưng đã 6 năm trôi qua, mọi thứ vẫn không thay đổi”, ông Công nhấn mạnh.

 khong go han dien, dung mong san xuat lon hinh anh 3

Gỡ bỏ hạn điền để tích tụ ruộng đất sản xuất lớn đang là đòi hỏi tất yếu. Ảnh: IT.

Ông Công cho rằng, việc khống chế mức hạn điền trong Điều 129 của Luật Đất đai đang kìm hãm sản xuất. Trong quá trình xây dựng luật, cả Chính phủ, các ngành chức năng đều thấy rõ vấn đề, nếu không xóa bỏ hạn điền sẽ tạo rào cản lớn cho sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa thấy có ý kiến đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai trong khi đó nông dân đang mong chờ từng ngày để bung ra phát triển sản xuất lớn.

“Trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, tôi đã đề xuất việc gỡ bỏ hạn điền, sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản trả lời: Việc giao đất là phù hợp với trình độ sản xuất của nông dân hiện nay. Trong khi đó, sản xuất lớn đang là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, nhiều doanh nghiệp phải tích tụ ruộng đất bằng cách nhờ chính quyền, hợp tác xã thuê lại rồi giao cho doanh nghiệp; có người cũng tích tụ được cả trăm hecta đất sản xuất nhưng phải nhờ nhiều người khác đứng tên, điều này dễ nảy sinh tranh chấp, gây bất ổn xã hội. Đã đến lúc phải sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp, không tích tụ đất đai đừng mong sản xuất lớn”, ông Công nói.
 

Anh Thơ/danviet.vn

 Tags: phát triển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập182
  • Hôm nay31,524
  • Tháng hiện tại648,070
  • Tổng lượt truy cập91,821,799
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây