Trung tuần tháng 10, Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Liên doanh Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với Công ty CP An Phú Bình Định) đã tổ chức lễ thả bò dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), đánh dấu mốc quan trọng triển khai thực hiện dự án chăn nuôi “khủng” nhất khu vực Bắc miền Trung. Ông Đinh Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà cho biết: “Hà Tĩnh là điểm thứ tư, sau Gia Lai, Lào và Campuchia thực hiện dự án chăn nuôi bò chất lượng, năng suất cao. Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt có quy mô 150.000 con, được triển khai trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh với tổng diện tích hơn 5.000ha, tổng vốn đầu tư 5.045 tỷ đồng. Dự án chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 quy mô 30.000 con, tổng mức đầu tư 845 tỷ đồng; giai đoạn 2 quy mô 150.000 con, tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng. Dự án đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi nhuận bình quân 1.000-1.400 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 3.000 lao động địa phương”.
Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh có nhiều công trình hướng về Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Từ đầu năm đến nay là lễ thông xe kỹ thuật cầu Đồng Văn bắc qua qua sông Ngàn Sâu, nối liền 2 huyện Đức Thọ - Vũ Quang; gắn biển công trình cầu Kỳ Thịnh, nhà máy sản xuất nước tinh khiết; khởi công nhà máy chế biến các sản phẩm từ nhung hươu… |
Trước mắt chúng tôi là những dãy chuồng bò hiện đại trải dài bên sườn đồi, đội ngũ công nhân đang khẩn trương điều khiển những chiếc máy chuyên dụng thu hoạch và băm cỏ… 100 ha cỏ chất lượng cao đã phủ xanh cả một vùng đồi, sẵn sàng đón đầu cho việc thả những lứa bò đầu tiên. Tại bộ phận nông nghiệp, thú y và quản lý tưới nước, đến thời điểm này, đã và đang có hàng trăm công nhân làm việc liên tục trên công trường. Phần lớn họ đều là con em vùng dự án, những người trực tiếp hưởng lợi sau khi đã nhường đất cho công ty.
Anh Nguyễn Trọng Đại, Trưởng bộ phận kỹ thuật, cho biết: “Để giám sát quy trình, đảm bảo chất lượng, ngay cả trong những lĩnh vực đơn giản như làm đất, hoàn thiện hệ thống tưới ngầm, công ty đều tăng cường thêm đội ngũ cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai từ Bình Định và Campuchia. Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt được áp dụng công nghệ trồng cỏ và nuôi bò hiện đại nhất hiện nay. Theo đó, cỏ được trồng và sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel; giống bò Brahman có thể lực tốt, thích nghi cao với điều kiện khí hậu nhiệt đới. Bò nuôi vỗ béo có trọng lượng khi xuất chuồng đạt từ 520 - 600kg.
Lãnh đạo tỉnh, nhà đầu tư tặng quà cho người dân trong vùng dự án.
Ông Đinh Văn Dũng cho biết thêm: “Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư giai đoạn 1, dự án đã triển khai đồng bộ về đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng, đầu tư hệ thống hạ tầng tại 3 xã: Cẩm Quan (Cẩm Xuyên), Kỳ Tây và Kỳ Hợp (Kỳ Anh) với tổng diện tích hơn 950ha. Riêng tại xã Cẩm Quan, nhờ sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhiều hộ dân, đến thời điểm này, trên diện tích 477ha, công ty đang gấp rút thực hiện cùng lúc nhiều hạng mục, đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết cho việc thả lứa giống đầu tiên. Đến nay, nhà đầu tư đã hoàn thành 7 chuồng trại, kho dự trữ thức ăn, trồng 100ha cỏ và nhập 2.000 con bò. Theo kế hoạch, đến tháng 12/2015 sẽ hoàn thành 25 chuồng trại, nhập đủ 30.000 con bò và trồng xong 816ha cỏ; đến cuối năm 2016 sẽ hoàn thành giai đoạn 2 của dự án và đến năm 2017 đàn bò của dự án đạt 217.000 con.
Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, Hà Tĩnh là địa phương có lợi thế: bò là sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, được ưu tiên phát triển; có diện tích đồi núi lớn, đất trồng cỏ rộng và có hệ thống cảng biển tạo điều kiện để vận chuyển. Việc thu hút dự án phát triển chăn nuôi bò thịt tại Hà Tĩnh sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân địa phương. Quan trọng hơn, đây chính là cơ hội để ngành chăn nuôi Hà Tĩnh thay đổi một cách căn bản, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp.
Đồng cỏ hơn 100ha đã được trồng xanh tốt.
Tại lễ thả bò, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định: “Dự án đi vào hoạt động không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn góp phần quan trọng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương, xây dựng nông thôn mới bền vững; hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020 về gia tăng tỷ trọng chăn nuôi đạt trên 60% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp”.
Tiềm năng và lợi thế nông nghiệp Hà Tĩnh đang dần được đánh thức nhờ những “đầu kéo” mạnh từ các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Hoành Sơn, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tập đoàn CP, Công ty CP chăn nuôi Bình Hà... Việc thu hút DN đầu tư sẽ là luồng gió mới thúc đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu đàn bò địa phương theo hướng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm…
Nổi bật trong chuỗi sự kiện chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh là 2 công trình nhiệt điện lớn: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Tổ máy Nhiệt điện số 1 Formosa – hạt nhân trung tâm điện lực Vũng Áng đồng thời được cắt băng khánh thành. Tiếp đó, bến số 3, số 4 cảng Vũng Áng do 2 tập đoàn lớn trong tỉnh đồng loạt khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, 2 bến cảng này có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 45.000DWT… |
Theo Anh Bình/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã