Phấn đấu đạt năng suất 2 tấn điều nhân/ha
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, gần đây ngành điều đã có những chuyển biến tích cực khi kim ngạch xuất khẩu tăng khá, giá cả ổn định hơn nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần tháo gỡ như: năng suất điều bình quân thấp dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa thực hiện tốt liên kết phát triển vùng nguyên liệu. Vì vậy, trong chỉ đạo sản xuất cần tiếp tục những giải pháp mạnh mẽ hơn để nâng năng suất bình quân lên 2 tấn/ha, trong đó công tác giống, các biện pháp kỹ thuật cho từng đối tượng, công tác thông tin, nhân rộng các mô hình khuyến nông có hiệu quả là hết sức quan trọng.
Ngành điều phấn đấu đạt năng suất 2 tấn nhân/ha.
Cục Trồng trọt tiếp tục hoàn thiện để ban hành tiêu chí bình tuyển cây điều đầu dòng phục vụ nhân giống và ghép cải tạo; ban hành các quy trình, kỹ thuật ghép cải tạo, thâm canh và trồng thay thế giống điều trong quý 2/2015.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tập huấn, đào tạo nhân lực; phát hành các tài liệu, poster, video về ghép cải tạo, thâm canh, trồng tái canh điều; kỹ thuật bón phân, tưới nước tiết kiệm cho cây điều. Chỉ đạo hệ thống khuyến nông phối hợp với ngành bảo vệ thực vật địa phương, Hiệp hội Điều Việt Nam tổ chức xây dựng mô hình liên kết giữa người sản xuât với nhà máy chế biến điều theo chuỗi giá trị.
Hiệp hội Điều Việt Nam tổ chức, vận động các doanh nghiệp tham gia xây dựng mô hình liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ nông dân trồng điều.
Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương có trồng điều chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các huyện, xã rà soát quy hoạch, phân loại vườn điều để có biện pháp thích hợp như đầu tư thâm canh, ghép cải tạo hoặc trồng tái canh. Đẩy nhanh công tác bình tuyển cây điều đầu dòng để khuyến cáo cho nhân dân sử dụng trong quá trình ghép cải tạo, trồng tái canh.
Kiểm soát thuốc BVTV trên cây chè
Đối với ngành chè, trong những năm qua đã nâng tỷ lệ chè giống mới lên 60% diện tích; tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu đốn, hái chè chiếm 40%; nhờ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật nên năng suất chè của Việt Nam đã cao hơn năng suất chè trung bình thế giới. Tuy nhiên, ngành chè đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm, cụ thể là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, chất lượng chưa cao, giá bán còn thấp, cơ cấu chè xanh - chè đen chưa hợp lý,…
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với các viện nghiên cứu và các địa phương rà soát lại toàn bộ cơ cấu giống chè trên phạm vi cả nước để có định hướng cơ cấu giống cho từng vùng, địa phương phù hợp với thị trường. Rà soát lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình và cập nhật tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất của ngành chè. Phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường hợp tác với Unilever, có giải pháp mở rộng hợp tác công tư (PPP) để nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm trong sản xuất chè trong thời gian tới.
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) rà soát lại danh mục các loại thuốc sử dụng trên chè hiện nay, loại bỏ các hóa chất các nước nhập khẩu cấm trên chè, báo cáo Bộ về hiện trạng quản lý, sử dụng thuốc BVTV trên chè, những bất cập và giải pháp trong tháng 6/2015. Triển khai có hiệu quả dự án khuyến nông, xây dựng mô hình tổ, nhóm dịch vụ BVTV trên cây chè; chỉ đạo hệ thống BVTV kiểm tra và quản lý chặt công tác nhập khẩu hóa chất BVTV tại các cửa khẩu; chỉ đạo hệ thống BVTV ở các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV trên chè, kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trong chè nguyên liệu và chè chế biến.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông, trong đó tập trung vào tổ chức các buổi tọa đàm về sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật vào trong sản xuất chè an toàn. Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương rà soát quy hoạch phát triển chè trên địa bàn, phối hợp với các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra chất lượng chè, việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV trên chè, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.
Đẩy mạnh phòng chống bệnh hại hồ tiêu
Đối với tình trạng bệnh hại trên cây hồ tiêu, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Trồng trọt, Cục BVTV tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh thực hiện chiến dịch phòng chống bệnh hại hồ tiêu đến đầu mùa mưa; liên tục cập nhật kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật để bổ sung, sửa đổi các quy trình đã ban hành nhằm ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn sản xuất; tăng cường quản lý Nhà nước về phân bón, thuốc BVTV tại vùng trồng hồ tiêu.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục BVTV tỉnh có hồ tiêu bị hại nặng triển khai các mô hình phòng chống bệnh, tổ chức cho nông dân tham quan, học tập các mô hình phòng chống bệnh hiệu quả; tổ chức in ấn poster, tờ rơi để các địa phương làm tài liệu tuyên truyền cho nông dân.
Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tiến hành đánh giá lại toàn bộ giống hồ tiêu hiện nay, mô tả để nông dân có thể nhận diện từng giống; tổng hợp kinh nghiệm canh tác ở các vùng sản xuất khác nhau, từ đó khuyến cáo nông dân thực hiện.
Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh có trồng hồ tiêu tổ chức, chỉ đạo Chi cục BVTV tỉnh rà soát toàn bộ diện tích trồng hồ tiêu, diện tích nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm theo từng hộ, tổng hợp báo cáo về Cục BVTV để tổng hợp chung; tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện giao chỉ tiêu, gắn trách nhiệm của từng người đứng đầu trong quản lý, tổ chức thực hiện phòng chống bệnh trên địa bàn từng xã.
Phòng chống bệnh đốm nâu trên thanh long
Để nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long từ nay đến đầu mùa mưa, các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương cần thực hiện quyết liệt các công việc sau:
Cục Trồng trọt, Cục BVTVtiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh thực hiện vệ sinh đồng ruộng; tiếp tục cập nhật kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật để bổ sung, sửa đổi các quy trình đã ban hành nhằm ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn sản xuất; tăng cường công tác quản lý nhà nước về phân bón, thuốc BVTV tại vùng trồng thanh long.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối kết hợp với địa phương để triển khai nhân rộng các mô hình phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long hiệu quả đã được thực hiện đạt kết quả tốt.
Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện quy trình tỉa cành và sử dụng chế phẩm vi sinh để ủ cành thanh long theo hướng giảm công lao động và dễ thực hiện cho nông dân.
Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang tiếp tục tổ chức, chỉ đạo thực hiện vệ sinh đồng ruộng phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long đến đầu mùa mưa theo các nội dung trong văn bản số 9554/BNN-BVTV ngày 27/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phát động Tháng hành động phòng chống bệnh hại thanh long; tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện giao chỉ tiêu, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, tổ chức phòng chống bệnh theo địa bàn từng xã.
Khánh Nguyên
Theo kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã