Tuy nhiên, trong quá trình đồng hành cùng địa phương, các DN cũng đối mặt với không ít những khó khăn thách thức, cần phải có sự nghiên cứu và hỗ trợ phù hợp từ phía Nhà nước. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đình Sáu - Phó Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Ninh.
Vai trò của các DN có ý nghĩa như thế nào đối với Chương trình xây dựng NTM Quảng Ninh, thưa ông?
- DN đóng một vai trò hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là yếu tố có tính quyết định cho sự thành công trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM. Bằng những hành động thiết thực, thời gian qua các DN đã hỗ trợ các địa phương triển khai Chương trình xây dựng NTM dưới nhiều hình thức như: Ủng hộ về tinh thần và vật chất; đầu tư trực tiếp về nông thôn; cam kết sử dụng lao động; giúp nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân…
Có thể nói, việc thu hút DN tham gia Chương trình xây dựng NTM có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Hoạt động của các DN ở khu vực nông thôn không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ thuần nông sang một cơ cấu kinh tế đa dạng hơn, tạo ra việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn, giúp người dân tăng thu nhập.
Cho đến nay, số lượng các DN tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Quảng Ninh chưa nhiều, vậy theo ông, đâu là những trở ngại, thưa ông?
-Đúng là hiện nay việc thu hút DN vào đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp khó khăn do đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro. Về chủ quan, hiện việc thu hút DN vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế. Trước hết là các cơ chế, chính sách của Nhà nước về thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa đủ mạnh. Cơ chế quản lý đất đai còn nhiều bất cập, đất phục vụ sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ (đặc biệt với các địa phương khu vực miền Đông) đã gây trở ngại lớn cho việc phát triển sản xuất trên quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Bên cạnh đó, chất lượng lao động ở nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng đòi hỏi ở trình độ cao đối với cả đội ngũ quản lý và lao động trực tiếp. Đặc biệt, hiện còn thiếu các hợp tác xã thực thụ, là người đại diện cho các hộ dân liên kết với DN cùng tổ chức sản xuất.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, nước, viễn thông… còn nhiều bất cập; cơ chế quản lý, cấp phép, giải phóng mặt bằng, dịch vụ công của các cơ quan công quyền mặc dù đã có nhiều cải tiến trong những năm gần đây, nhưng vẫn thiếu đồng bộ. Thủ tục quản lý hành chính của một số cơ quan quản lý một số nơi chưa được cải thiện, làm giảm lòng tin của DN. Thị trường nông sản không ổn định, gây khó khăn đối với việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ…
Một vấn đề khác hết sức quan trong đang đặt ra đối với các DN là thiếu vốn cho sản xuất. Vừa qua UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng theo Quyết định số 2009 và sửa đổi bổ sung một số điều theo Quyết định số 3025 nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất. Song thực tế cho thấy, tỷ lệ DN được tiếp cận nguồn vốn chưa nhiều. Nguyên nhân cơ bản là chưa có các dự án đầu tư kỹ lưỡng, thủ tục chưa hoàn chỉnh, hoặc thiếu tài sản thế chấp.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh đang dự thảo chính sách riêng của tỉnh để hỗ trợ, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ông có thể cho biết những nội dung khác biệt so với Nghị định 210 của Chính phủ?
- Vừa qua UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao các ngành chức năng, mà chủ trì là Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu dự thảo chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Nếu không có gì thay đổi thì từ nay đến hết năm 2014 sẽ chính thức ban hành. Về dự thảo chính sách này, ngoài các nội dung đã quy định trong Nghị định 210 của Chính phủ, sẽ bổ sung một số nội dung để phù hợp với tình hình thực tế của Quảng Ninh. Có thể nêu ra đây một số điểm khuyến khích cao hơn so với Nghị định 210:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng không bó hẹp ở vùng nông thôn như Nghị định 210, có nghĩa là các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp dù ở thành thị hay nông thôn đều được hỗ trợ như nhau.
Thứ hai, về lĩnh vực hỗ trợ, trên cơ sở sản phẩm chủ lực về nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2014-2020 sẽ tập trung hỗ trợ các dự án thuộc: Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu tiên đầu tư trong nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014-2020 được UBND tỉnh phê duyệt; sản xuất với quy mô lớn, có sử dụng lao động tại địa phương và đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Thứ ba, về các chính sách hỗ trợ san lấp mặt bằng, thuê đất, thuê mặt nước, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ tối đa 50% chi phí san lấp mặt bằng và không quá 10 tỷ đồng/dự án; nhà đầu tư được áp dụng đơn giá thuê đất bằng 0,5% giá đất theo mục đích sử dụng (Nghị định 210 quy định là 1%).
Thứ tư, về hỗ trợ lãi suất ngân hàng sẽ được áp dụng theo Quyết định 2009 của UBND tỉnh và được sửa đổi một số điều theo Quyết định 3025, với mức hỗ trợ là 6%/năm theo số dự nợ thực tế; một số dự án đặc biệt ưu đãi, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng.
Ngoài ra dự thảo này còn có một số điểm khác biệt so với Nghị định 210 trong hỗ trợ nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu và chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ; phát triển vùng trồng trọt tập trung, cây dược liệu; hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm; hỗ trợ cơ sở chế biến thông nhựa, dược phẩm, thực phẩm chức năng; thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thức ăn nuôi trồng thủy sản; đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu khai thác hải sản xa bờ…
Bên cạnh hướng sửa đổi chính sách như ông vừa nêu, ông có kiến nghị gì để đẩy nhanh việc thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp Quảng Ninh?
- Tôi xin kiến nghị một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, các địa phương cần khẩn trương phê duyệt chi tiết quy hoạch các vùng sản xuất tập trung trên cơ sở tính toán, lựa chọn các sản phẩm chủ lực của địa phương mình như Công văn số 2802 của UBND tỉnh đã ban hành ngày 27.5.2014 về chấp thuận phương án quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh; lựa chọn hình thức đầu tư, hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để các DN tính toán, cân đối khả năng đầu tư; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể (HTX, tổ hợp tác) để liên kết với DN.
Hai là, giải quyết mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh. Đối với các DN yêu cầu cấp bách nhất hiện nay là có đất đai làm mặt bằng sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu duy trì và mở rộng sản xuất.
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong DN, nhân lực được coi là tài sản quý giá nhất, là nguồn vốn đặc biệt, yếu tố bảo đảm cho năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Bốn là, tăng cường chức năng quản lý của Nhà nước. Để khuyến khích, thu hút được nhiều nhà đầu tư vào phát triển sản xuất ở nông thôn hiện nay, việc tăng cường chức năng quản lý của Nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt, trong đó có 2 loại vấn đề đặc biệt cấp bách là: Khẩn trương hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung của mỗi địa phương một cách bài bản, căn cơ, làm căn cứ tin cậy cho DN mở rộng sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước. Có như vậy, những cơ chế chính sách của chúng ta mới sớm đi vào cuộc sống.
Xin cảm ơn ông!