Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thành Nam- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, ĐBSCL là vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước, có mức đóng góp 40,7% trong giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp, 53,4% sản lượng thóc, 70% sản lượng trái cây, 68,7% sản lượng thủy sản cả nước. Về kim ngạch XK, ĐBSCL chiếm đến 90% kim ngạch XK gạo và 70% kim ngạch XK thủy sản cả nước.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đang gây tác động tiêu cực đến môi trường như làm giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm nguồn nước, tăng chi phí sản xuất và đe dọa tính bền vững của tăng trưởng. Chi phí sản xuất nhiều loại nông sản ngày càng cao cũng bắt đầu làm giảm khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam với vị thế nhà sản xuất “chi phí thấp” trên trường quốc tế.
Ngoài ra, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức như kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, nông nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, còn nhiều rủi ro, bị đe dọa bởi nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, việc thực hiện liên kết vùng chưa được quan tâm đúng mức, chưa có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư.
Trong tương lai, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng sẽ phải cạnh tranh nguồn lực cho tăng trưởng với các ngành công nghiệp và dịch vụ khác. Trong bối cảnh đó, nông nghiệp cần nâng cao vị thế cạnh tranh trên cơ sở nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và XK. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn vốn, tăng thu nhập và đời sống người dân.
Theo TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, nguyên nhân của thực trạng yếu kém là do thể chế cho phát triển nông nghiệp chưa được quan tâm thấu đáo trong nhiều năm. Vốn ngân sách phân bổ cho đầu tư nông nghiệp, chỉ chiếm 2% GDP mỗi năm, trong khi ở các quốc gia có điều kiện tương tự như Thái Lan, Indonesia vào khoảng 10-12%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép từ 1988-2012 đạt hơn 210 tỉ USD, với 14.500 dự án thì khu vực nông, lâm thủy sản chỉ đạt 3,26 tỷ USD với 493 dự án, chiếm 3,4% tổng dự án và 1,5% tổng vốn đăng ký. Số DN nông nghiệp tính đến hết năm 2011 hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chỉ chiếm 1%, chiếm 2,3% lao động và 0,9% số vốn đăng ký kinh doanh.
GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cho rằng tình trạng thiếu hụt thông tin thị trường đang đẩy nông dân sản xuất theo phong trào. Do đó tái cơ cấu nông nghiệp phải xuất phát từ thị trường, xem thị trường cần gì, xem trọng thị trường trong nước, rồi từ đó tổ chức lại sản xuất. Đồng thời cần có kế hoạch chuyển các DN nhà nước trong ngành nông nghiệp thành DN cổ phần có sự tham gia của nông dân và sự điều hành của các doanh nhân thông thạo ngoại ngữ, có kinh nghiệm trên thị trường quốc tế.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ kinh tế thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp của từng địa phương vùng ĐBSCL chưa chặt chẽ, không có sự liên kết vùng, mỗi tỉnh làm một kiểu, đặt lợi ích của tỉnh mình lên trên lợi ích vùng.