Học tập đạo đức HCM

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi

Thứ tư - 16/09/2015 22:36
Mối lo dai dẳng của nông dân và doanh nghiệp (DN) vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa được giải quyết là tiêu thụ nông sản bấp bênh; trong khi nền sản xuất nông nghiệp ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai. Trong quá trình hội nhập, các DN vẫn đang khó về nguồn nhân lực từ quy hoạch tới sử dụng và phát huy. Sản xuất theo chuỗi là lời khuyên mà các chuyên gia gửi gắm cho DN, nông dân. Song, làm thế nào để gắn những đối tác trên chuỗi giá trị là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Thị trường ngày càng khắt khe

Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún là hiện trạng của nền nông nghiệp vùng ĐBSCL. Để có quy mô sản xuất lớn, tập trung thì vướng hạn điền, tích tụ ruộng đất. Ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Muốn sản xuất ra nhiều sản phẩm, chất lượng đồng đều phải có vùng nguyên liệu tập trung. Nhưng diện tích sản xuất bình quân trên nông hộ nhỏ, để tích tụ ruộng đất là vấn đề khó trong điều kiện phát triển hiện nay. Đồng Tháp khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất bằng cách kêu gọi anh em trong dòng tộc liên kết để thành vùng nguyên liệu nhưng quy mô sản xuất vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu số lượng lớn của DN". Nhận định về sản xuất nông nghiệp và phát triển DN tại ĐBSCL, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng cho rằng, ĐBSCL luôn tự hào là vựa nông sản, bát cơm của quốc gia, nhưng nhiều nông dân trồng lúa vẫn không giàu lên được nhờ cây lúa. Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia đầu ngành nông nghiệp cùng cho rằng, lâu nay ĐBSCL mãi chạy theo số lượng mà thiếu đầu tư cho chất lượng nên nông sản đặc sản của vùng luôn chật vật trong cạnh tranh, bấp bênh về giá vì thiếu khoa học công nghệ. Trong khi đó, thị trường yêu cầu ngày một cao, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập mới.

 Xoài cát Hòa Lộc - trái cây đặc sản của ĐBSCL.
Xoài cát Hòa Lộc - trái cây đặc sản của ĐBSCL.

Trong phiên thảo luận về giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản cho vùng ĐBSCL tại Mekong connect- CEO Forum 2015 vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM, nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) nói: "Trong điều kiện đời sống được nâng lên, người tiêu dùng chấp nhận trả giá cao hơn cho sản phẩm mà họ tin tưởng, nhưng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm". Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần thay đổi tư duy làm nông nghiệp hiện nay của cả nông dân và DN. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, nền nông nghiệp của ĐBSCL đang ở trình độ thấp vì thiếu khoa học công nghệ. Trong hội nhập, dư địa cho phát triển nông nghiệp còn rất lớn, nếu chúng ta chịu thay đổi và quyết tâm đưa công nghệ vào sản xuất thì sẽ có hướng phát triển mới. Nhiều ý kiến của các nhà phân phối, DN sản xuất cũng minh định: Kinh tế thị trường, yêu cầu ăn để khỏe được đặt lên hàng đầu, để làm theo yêu cầu khắt khe này không phải DN, nông dân nào cũng thực hiện được, bởi phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tài chính, quản trị, công nghệ và tập quán sản xuất.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TP HCM), cho biết: "Hằng đêm, chợ đầu mối Thủ Đức tiếp nhận khoảng 3.500- 4.000 tấn rau củ quả; dịp lễ, Tết có thể lên đến 6.000-7.000 tấn/ngày. Tâm lý của người tiêu dùng hiện nay là họ luôn đặt câu hỏi khi đi mua hàng: Sản phẩm có an toàn không? Chúng tôi cũng yêu cầu nhà bán hàng bán sản phẩm chất lượng, làm thương hiệu, nhưng họ cho rằng vấn đề chất lượng phải được "truy" từ gốc người sản xuất, người bán hàng rất khó làm điều này. Thị trường ngày càng khắt khe, do đó nông dân phải liên kết lại thành lập hợp tác xã và kết nối với DN để mời gọi DN đầu tư quy trình đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Khi đã có sản phẩm chuẩn thì việc làm nhãn mác, thương hiệu sẽ dễ hơn, sản phẩm cũng tiêu thụ dễ hơn nhờ có thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc"…

Đổi mới tư duy làm nông nghiệp

Nhiều ý kiến cho rằng, nông dân vẫn sản xuất theo tư duy cũ, bán hàng không nhãn mác vô hình trung làm hạ thấp giá trị sản phẩm của mình. "Đã đến lúc vựa lúa ĐBSCL phải thay đổi cách tiếp cận thị trường. Từ tư duy ĐBSCL là "chị nuôi" chỉ biết nấu cơm cho cả nước và thế giới ăn mà "chị nuôi" phải bước ra bên ngoài thị trường để học hành, để trở thành người bán hàng thực thụ"- chuyên gia Phan Chánh Dưỡng đề nghị. Tuy nhiên, để "chị nuôi" trở thành người bán hàng là câu chuyện rất dài ở phía sau, từ cách nghĩ đến cách làm phải thay đổi và phải có sự tham gia nhiệt tình của các đối tác trên chuỗi giá trị. Bởi có DN làm sản phẩm đạt chuẩn, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, nhưng đưa sản phẩm tiếp cận hệ thống siêu thị trong nước rất khó. Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho rằng đây là điểm "tắc" của khâu liên kết do mong muốn của nhà phân phối và DN chưa gặp nhau. "Saigon Co.op luôn tìm những sản phẩm chất lượng đưa vào siêu thị. Với gạo, khi đưa lên kệ, chúng tôi chụp cả hình ảnh vùng sản xuất gạo dán lên kệ để quảng bá về chỉ dẫn địa lý, uy tín của nông dân, DN ở vùng trồng lúa. Siêu thị rất cần liên kết với DN vì siêu thị không thể mua từng bao gạo của nông dân mà phải qua DN mới có số lượng lớn, kiểm soát được chất lượng. Do đó, cần ngồi lại với nhau để bàn cách làm mới"- ông Nguyễn Ngọc Hòa khẳng định.

Nhận định về liên kết để làm mới ngành sản xuất nông nghiệp, ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết gần đây, một số DN nhỏ trong tỉnh đã cố gắng đầu tư để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng. Có DN làm mặt hàng nông sản sấy và có vùng nguyên liệu, nhưng thị trường rất yếu. Cần các DN lớn cùng ngành hàng trợ lực mới mong nông sản của vùng vươn xa. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, cho biết: "Nhu cầu tiêu dùng rau củ quả của người dân hiện nay khoảng 1-3kg/ngày, Việt Nam có hơn 90 triệu dân, rõ ràng đây là thị trường rất lớn. Song, cần thay đổi cách tiếp cận thị trường, nông dân loại bỏ tư duy tiểu nông để thay đổi mảnh vườn của mình, sản xuất hữu cơ để cung cấp cho DN, để đi vào siêu thị. Muốn như thế phải liên kết lại và phải có năng lực tạo ra sản phẩm lớn, chất lượng. Các DN nhỏ phải ngồi lại với nhau và mở lòng với nhau về quy trình sản xuất,chế biến và muốn bán hàng cho Vinamit phải tuân thủ kỹ thuật của Vinamit. DN ở Đồng Tháp có nhu cầu thì có thể liên hệ với Vinamit". Theo ông Nguyễn Lâm Viên, hiện nay Vinamit chủ yếu hợp tác với các địa phương, DN để cung ứng nguyên liệu, một số sản phẩm bán thành phẩm cho Vinamit, nhưng chưa có DN làm sản phẩm thành phẩm cung ứng cho Vinamit vì quy trình kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu của đơn vị. Vinamit luôn sẵn sàng hợp tác với DN vùng ĐBSCL.

Đổi mới tư duy sản xuất để nông nghiệp phát triển bền vững, hội nhập còn rất cần sự sẵn lòng của các bên tham gia chuỗi giá trị: nhà nông- nhà nước- nhà DN- nhà khoa học. Nhiều ý kiến cho rằng cần sàn giao dịch nông sản cho vùng ĐBCSL. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết, ĐBSCL rất cần sàn giao dịch nông sản, Cần Thơ có chợ gạo nhưng được giao cho Công ty Lương thực miền Nam đầu tư và hiện hoạt động với nhiệm vụ là kho của công ty. Hiện nay, gạo qua xay xát để 3 tháng là bị ẩm vàng, nếu chợ gạo có kho trữ lúa cho cả DN và nông dân sẽ đảm bảo giá trị hạt gạo. Vấn đề này, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, sàn giao dịch nông sản là ý tưởng tốt, nhưng nông sản muốn lên sàn phải đạt tiêu chuẩn kiểm định, chất lượng mới cho giao dịch. Sàn phải có cạnh tranh nhiều người mua- bán, sàn giao dịch phải có quy định cụ thể, luật chơi đàng hoàng.

Theo: baocantho.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập371
  • Hôm nay53,691
  • Tháng hiện tại850,389
  • Tổng lượt truy cập90,913,782
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây