Khi đề án được ký chưa kịp ráo mực, tỉnh đã rốt ráo bắt tay ngay vào những công việc cụ thể, trước hết là lựa chọn những ngành hàng nhiều tiềm năng để thực hiện tái cơ cấu. Đó là lúa gạo, xoài, cá tra, vịt và hoa kiểng với tinh thần cốt lõi là đẩy mạnh hợp tác – liên kết – thị trường, đặc biệt là liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học – công nghệ, giảm giá thành.
03 năm qua cũng là ngần ấy thời gian các mặt hàng nông sản của tỉnh “lớn lên” từng ngày, là bao nhiêu tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng, là các sản phẩm công nghệ cao ra đời v.v.. Tất thảy đã chứng minh rằng, chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của Đảng, Nhà nước ta là đúng đắn và chúng ta đang đi đúng hướng.
Nhìn lại cách đây vài năm, khi sản xuất còn trông cậy vào may rủi, tiêu thụ bấp bênh, người dân thường kêu ca điệp khúc “được mùa, mất giá”. Trong nền kinh tế thị trường, nhiều sự cạnh tranh thì giá cả không do ta quyết định. Để tìm ra đáp án cho bài toán nan giải này, tỉnh đã triển khai các mô hình giảm giá thành sản xuất lúa, giúp chi phí giảm trên 600 đồng/kg và lợi nhuận cao gần gấp đôi so với sản xuất theo tập quán cũ.
Không chỉ vậy, những hạt gạo chất lượng qua quy trình sản xuất hiện đại được khoác lên mình thương hiệu làm rạng danh xứ sở Sen Hồng như: Nosavina, Kim Trường Xuân, Sếu Đỏ, Hương Tràm v.v. để vươn mình ra thế giới.
Về trái xoài, sau bao phen long đong lận đận thì cũng thu về quả ngọt khi được nhiều thị trường ngoài nước săn đón bởi giờ đây, nhà vườn đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chứ không làm theo phương pháp cũ nữa, nào là rải vụ để cho trái quanh năm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, nào là quy trình sản xuất an toàn, rồi còn liên kết với các Công ty để xây dựng vùng nguyên liệu, hợp tác tiêu thụ ổn định.
Bên cạnh xuất thô, loại trái cây đặc sản này còn được chế biến thành xoài sấy dẻo, kem xoài, yaourt v.v. thật lạ mắt và không kém phần hấp dẫn.
Viết tiếp thành công cho tái cơ cấu, không thể bỏ qua ngành hàng hoa kiểng với những bước tiến dài trong việc ứng dụng công nghệ cao. Những cán bộ kỹ thuật được cử sang Hà Lan – vương quốc hoa để nghiên cứu, phát triển nghề trồng hoa kiểng và tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật của nước bạn để về truyền lại cho người dân xứ mình. Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như một niềm tự hào của thành phố hoa, mở ra tương lai xán lạn trong thời gian không xa.
Ngành chăn nuôi vốn được cho là phát triển ì ạch thì đến nay cũng có nhiều khởi sắc khi ngành hàng vịt đã thành lập tổ hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp để hình thành các chuỗi giá trị; phần lớn diện tích nuôi cá tra của tỉnh được cấp mã số, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP v.v..
Đánh giá cao những kết quả trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ và đạt được kết quả cụ thể, từ sản phẩm đến mô hình sản xuất, tăng giá trị các sản phẩm chế biến, cải tiến bao bì, sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt v.v..
Trong đó, Thủ tướng đặc biệt chú ý đến vấn đề hợp tác quốc tế tỉnh đang thực hiện. Việc nhiều quốc gia từ châu Âu đến châu Á tham gia chuỗi giá trị giúp mở ra chân trời mới cho phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đáng chú ý là việc Tập đoàn Phát triển nông nghiệp, nông thôn Hàn Quốc (KRC) thực hiện dự án hợp tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; ký kết hợp tác với Tổ chức sáng kiến phát triển sản xuất lúa gạo khu vực châu Á; Quỹ Phát triển bền vững IDH xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững trên con cá, cây lúa v.v..
Trước những thành công rất đáng quý của Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo nhân rộng mô hình để các địa phương khác trong cả nước có thể học tập và vận dụng phù hợp.
Bên cạnh giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp còn hướng đến mục tiêu quan trọng là thúc đẩy phát triển nền “nông nghiệp xanh”, nâng cao năng lực quản lý rủi ro để ứng phó với các tác động xấu của biến đổi khí hậu.
Điều này dễ dàng nhận thấy khi trong thời gian gần đây, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, đặc biệt là hợp tác với Mỹ Lan Group và RYNAN AgriFoods để triển khai chương trình nghiên cứu nâng cao chất lượng, bao bì, bảo quản sản phẩm và công nghệ sau thu hoạch; hướng dẫn nông dân nhân rộng mô hình sử dụng phân bón thông minh; quản lý dinh dưỡng cho cây bằng công nghệ điện toán đám mây; liên kết đào tạo đội ngũ sinh viên chất lượng cao về các chuyên ngành hoá học, công nghệ sinh học, nông nghiệp.
Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý bổ sung Đồng Tháp vào Quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao. Chủ trương đã sẵn, cộng với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh sẽ mở ra vận hội mới cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà, để việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sớm thành hiện thực.
Theo dongthap.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã