Chưa xứng tiềm năng
Nhằm tìm giải pháp nâng chất lượng trái cây và giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, ngày 12.8, tại Tiền Giang, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trái cây vùng ĐBSCL”.
Các đại biểu tham quan mô hình bưởi da xanh VietGAP của nông dân Hoàng Anh (xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho). Ảnh: H.D
Theo báo cáo, sản lượng trái cây hàng năm của ĐBSCL đạt khoảng 3,5 triệu tấn. Những tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn là Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre... với nhiều loại cây ăn quả chủ lực có giá trị kinh tế cao như: Chuối, xoài, cam, dứa, bưởi, thanh long...
Thời gian qua, để phát huy tiềm năng và thế mạnh kinh tế vườn, các tỉnh, thành trong vùng đã chú trọng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật từ khâu chọn giống, thâm canh theo hướng GAP, xử lý cho trái rải vụ... Tuy nhiên, dù diện tích trái cây rất lớn nhưng toàn vùng hiện mới có khoảng 9.400ha thanh long, trên 150ha xoài, gần 50ha sầu riêng, 120ha nhãn được cấp chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP. Như vậy, diện tích đạt chuẩn “sạch” chỉ mới ở mức 3%, lại tập trung chủ yếu ở cây thanh long, các loại khác gần như không có hoặc có rất ít.
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam tăng nhanh và có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Năm 2015, trái cây được xuất khẩu tới 60 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng gần 8 lần so với năm 2005. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất được gần 1,4 tỷ USD trái cây, tăng 135,5% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, trên thực tế, khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ vẫn lỏng lẻo, kém bền vững. Nông dân có tình trạng “chạy theo phong trào” trong đầu tư trồng cây ăn quả; công tác giống và quản lý chất lượng nhiều bất cập. Ông Lê Hoàng Anh - nông dân trồng xoài ấp Mỹ Hưng Hòa, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, canh tác 1,2ha xoài cát chu, mỗi năm sản lượng 15 tấn quả. Băn khoăn lớn nhất của ông và nhiều chủ nhà vườn khác là giải quyết đầu ra của trái xoài. “Việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu lệ thuộc vào thương lái nên giá cả bấp bênh, không ổn định và nông dân vùng chuyên canh luôn thua thiệt” - ông Anh cho hay.
Nông dân cần liên kết
Ông Dương Cảnh Dân (Tổ hợp tác kinh tế vườn Hòa Lợi, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, cần tạo ra sản phẩm có chất lượng và sản lượng đủ lớn cung ứng theo nhu cầu doanh nghiệp. Nhà nước và doanh nghiệp cần hỗ trợ tổ hợp tác các vấn đề quan trọng và cần thiết như xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bao tiêu chặt chẽ trên cơ sở các đối tác cùng có lợi…
Theo ông Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, để đảm bảo sản xuất xanh và bền vững, việc liên kết lớn trong sản xuất trái cây là hướng đi tất yếu. Bên cạnh đó vai trò của Nhà nước trong giai đoạn đầu như các cơ chế chính sách, quy hoạch, đầu tư khoa học, hỗ trợ chính sách vốn, thị trường để tăng thêm sức cạnh tranh cho sản phẩm là hết sức cần thiết. Nếu thực hiện tốt việc liên kết, nông dân trồng trái cây vùng ĐBSCL sẽ có thu nhập tốt hơn. |
Đồng quan điểm, nông dân Vu Suổi (xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh, Hậu Giang) cũng cho rằng phải có sự liên kết trong sản xuất trái cây để tăng giá trị sản phẩm. Ông Suổi có 6ha dứa Cầu Đúc – một thương hiệu trái cây nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, mỗi năm đạt sản lượng từ 90 - 120 tấn quả, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Hiện bà con vùng chuyên canh như ông phải “tự sản, tự tiêu” là chính.
Vào lúc thu hoạch rộ, nông dân còn phải chạy tìm thương lái, thậm chí đem sản phẩm bán lẻ tại các chợ nông thôn, phần khác cung cấp cho các nhà máy chế biến nhưng không nhiều lắm. Đó là những nguyên nhân tác động giá dứa có lúc xuống rất thấp. “Nhà nước cần đầu tư thêm nhà máy chế biến sản phẩm, tăng cường mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, chuyển giao kỹ thuật thâm canh… nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, bà con hưởng lợi, an tâm sản xuất” - ông Suổi kiến nghị.
Chia sẻ cùng nông dân, TS Nguyễn Hữu Đạt (Hiệp hội Rau quả Việt Nam) cho hay, để phát triển trái cây tươi Việt Nam theo hướng bền vững trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cần đẩy mạnh hợp tác hóa trên lĩnh vực sản xuất cây ăn quả, áp dụng tiến bộ kỹ thuật xử lý rải vụ, thâm canh theo hướng GAP. Đồng thời, phát huy vai trò doanh nghiệp trong liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Có vậy mới giúp ngành cây ăn quả nói chung phát triển mạnh, bền vững, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội.
Đại diện Cục Trồng trọt khẳng định sẽ tăng cường vai trò tham mưu cùng bộ, ngành Trung ương có liên quan để tăng liên kết sản xuất, điều hành hiệu quả rải vụ thu hoạch, quản lý tốt quy hoạch phát triển cây ăn quả vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xúc tiến thương mại, cung ứng giống tốt cũng như đưa các chính sách phát triển cây ăn quả thực sự đi vào đời sống…
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã