Nhất trí “nới” để cứu nền kinh tế
Phát biểu mở màn cho hai ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội đất nước, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) xoáy ngay vào vấn đề đang được dư luận quan tâm nhất, đó là tăng đầu tư công để kích thích kinh tế phát triển, tạo việc làm, tạo thu nhập cho người lao động.
Đại biểu Hà Sĩ Đồng cho rằng, tăng đầu tư công là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh: Đ.T) |
“Tôi tán thành mở rộng đầu tư công ở chừng mực nhất định và liều lượng hợp lý, trong giới hạn nợ công cho phép. Mở rộng đầu tư công sẽ góp phần kích thích tăng trưởng, tạo thêm việc làm. Tuy nhiên, tăng đầu tư công phải tập trung vào các dự án quan trọng, có khả năng kết nối liên vùng, giám sát vốn đầu tư công chặt chẽ”, đại biểu Lê Thị Yến khuyến cáo.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhận định: “Chưa có kỳ họp nào, Quốc hội lại phải đưa ra quyết định nới bội chi và tăng phát hành trái phiếu chính phủ với lượng lớn như kỳ họp này. Đây là quyết định khó khăn, nhưng trong bối cảnh chính sách tiền tệ gần như đã hết dư địa, thì chính sách tài khóa như là giải pháp duy nhất trong bối cảnh hiện nay”.
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng rất yếu, kinh tế vẫn tăng trưởng dưới tiềm năng và rất khó quay lại thời kỳ tăng trưởng cao. Dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng tổng cầu chưa cải thiện do tín dụng gần như tê liệt. Do đó, tăng đầu tư công là giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, cùng với tăng đầu tư công, các đại biểu cũng cảnh báo, rủi ro với ổn định vĩ mô trong tương lai là rất lớn, bởi gánh nặng nợ nần của Chính phủ đang tăng lên.
Chưa kể, dù tái cơ cấu đầu tư công đã đạt được nhiều kết quả thời gian gần đây, song tình trạng đầu tư dàn trải vẫn còn. Trước tình hình này, đại biểu Phạm Cao Khải (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị, tăng bội chi cần rót vào các lĩnh vực ưu tiên (đặc biệt là nông nghiệp - nông thôn) và các dự án trọng điểm. Đồng thời, Chính phủ phải trình danh mục dự án trọng điểm để Quốc hội thông qua.
Trong phiên thảo luận hôm qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề xuất, cần có ngay các giải pháp cấp bách để cứu doanh nghiệp.
“Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để cứu doanh nghiệp, nhưng chưa hiệu quả. Chính sách giãn, giảm thuế chỉ có tác động với các doanh nghiệp có lãi. Theo tôi, đã đến lúc, Chính phủ cần có đánh giá toàn diện về tình hình, nguyên nhân doanh nghiệp phá sản, tình hình tồn kho, tiếp cận vốn, đánh giá chính sách giãn, giảm thuế… để kịp thời điều chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho sát thực tế”, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) kiến nghị.
“Nản” tái cơ cấu DNNN, lo tái cơ cấu nông nghiệp
Bên cạnh tăng chi đầu tư công và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục là mối bận tâm của nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, đến thời điểm này, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chưa đạt được yêu cầu, tái cơ cấu DNNN còn rời rạc, tái cơ cấu đầu tư công đến nay vẫn chưa được phê duyệt đề án.
Cũng sốt ruột trước lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế quá chậm, đại biểu Hà Sỹ Đồng tỏ ra băn khoăn với “sức khỏe” của 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém đã và đang thực hiện tái cơ cấu thời gian qua. Theo đại biểu này, nếu các ngân hàng quá yếu kém, thì nên đóng cửa, không nên bằng cách này hay cách khác làm thay đổi bản chất nợ xấu, duy trì sự hoạt động lay lắt của những ngân hàng quá yếu kém.
Về tái cơ cấu DNNN, đại biểu trên cũng cho rằng, dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 100 đề án tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước, song đến nay, hầu như các đề án này vẫn chưa được triển khai. “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế, chứ không phải DNNN giữ vai trò chủ đạo. Không nên ưu ái bơm tiền cho các DNNN thua lỗ nữa, mà nên rót vốn cho dân doanh để kinh doanh có hiệu quả”, đại biểu Hà Sỹ Đồng kiến nghị.
Liên quan vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng khuyến cáo, nếu từ nay đến năm 2015, tái cơ cấu DNNN không đạt mục tiêu, thì niềm tin của thị trường về tái cơ cấu sẽ bị “phá sản”.
Một điểm đáng chú ý là, tại kỳ họp lần này, vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - điểm nóng của nghị trường năm 2012 - đã trở nên nguội hơn, trong khi vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp lại trở thành điểm nóng.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, lâu nay, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nông nghiệp đã làm hết sức để làm điểm tựa cho nền kinh tế, làm chỗ dựa cho người dân. Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng sụt giảm, tình trạng thua lỗ, bỏ ruộng ngày càng tăng. “Nếu nông nghiệp rơi vào khó khăn, khủng hoảng, nguy cơ đối với nền kinh tế sẽ không lường trước được”. đại biểu Trần Ngọc Đáng (Bình Dương) cảnh báo.
Cùng lo lắng về vấn đề này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị Chính phủ có nhiều giải pháp ưu tiên hơn nữa để phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất quy mô lớn, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Thùy Liên
Nguồn baodautu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã