Tại cuộc tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) ngày 10/7, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã dành nhiều thời gian để nói về 2 mối lo với nền kinh tế hiện tại. Hai mối lo ngại của bà Lan là nông nghiệp và công nghiệp.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, năm nay nông nghiệp trong nước không ảnh hưởng thiên tai quá nặng nề, nhưng sự phát triển lại tồn tại một nghịch lý: Dư thừa hết mặt hàng này đến mặt hàng khác. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay đã có nhiều cuộc giải cứu nông sản diễn ra trên địa bàn cả nước.
Bà Lan nhấn mạnh hiện trạng đó chứng tỏ nền nông nghiệp phát triển chưa theo định hướng thị trường. Nông nghiệp khi gặp điều kiện thuận lợi thì phát triển rất nhanh,
nhưng không gắn với nhu cầu.
Nguồn: zing.vn
Theo chuyên gia này, việc tìm đầu ra cho nông sản ở thị trường trong nước đã khó, xuất khẩu còn khó hơn. Việc ngành nông nghiệp chưa giải quyết được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng đang khiến mọi chuyện ngày càng khó khăn.
“Điều kiện đỡ khó khăn về thiên tai là cứ thúc đẩy tăng trưởng nhưng ngó lơ nhu cầu thị trường. Chuyện đài báo đưa tin về việc thịt heo bán 100.000 đồng 3 kg bán đầy vỉa hè tại TP.HCM là không thể tưởng tượng được”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Thịt heo bày bán ven đường tại TP.HCM với giá 100.000 đồng/3 kg. Ảnh: H. Nguyên. |
Bà Lan còn cảnh báo việc phân phối giải cứu thịt heo như trên có thể lây lan sang các mặt hàng nông sản khác, và đặt câu hỏi nền nông nghiệp sẽ về đâu khi các sự việc nêu trên cứ tái diễn thường xuyên.
“Nông nghiệp khó khăn còn ảnh hưởng lớn đến việc thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành này. Họ sẽ dè dặn hơn, không yên tâm đầu tư”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Lo ngại về công nghiệp, bà Lan cho rằng hiện công nghiệp nội vẫn gặp yếu kém trong sản xuất, giá trị gia tăng và lao động, đang ở tình cảnh không có bước chuyển biến lớn trong thời gian vừa qua.
Chuyên gia Phạm Chi Lan đánh giá công nghiệp và nông nghiệp đang trong tình thế bế tắc, chưa có dấu hiệu vượt qua được. Các bộ, ngành cũng chưa có giải pháp căn cơ, dài hạn mà chủ yếu là ngắn hạn.
Tại nhiều tuyến đường ở TP.HCM đang xuất hiện nhiều điểm bán thịt heo với mức giá chỉ 100.000 đồng/3 kg.
Thịt heo được rao là heo nhà nuôi ở Đồng Nai, nông dân không bán được nên tự mổ, mang lên TP.HCM bán giá rẻ. Mức giá buổi chợ sáng là 40.000 đồng/kg, chiều là 100.000 đồng/3 kg.
Ông Võ Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết thực tế người chăn nuôi ở Đồng Nai đã chịu cảnh rớt giá suốt 8 tháng qua. Có khoảng 60-70% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (trại dưới 500 heo thịt) ở tỉnh này đã phá sản, treo chuồng.
Đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng cho rằng phải xác định cuộc giải cứu heo hơi là cuộc giải cứu ngành chăn nuôi chứ không phải giải cứu người chăn nuôi. Mấu chốt là phải kiểm soát được số lượng của các công ty lớn. Nhưng hiện địa phương không nắm được lượng heo tồn, tổng đàn ra sao vì các doanh nghiệp này vẫn bí mật số lượng.