Năm 2015, phân bón thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Sau đó, việc sửa luật thuế đã xếp loại hàng hóa này vào nhóm không chịu thuế VAT. Tuy nhiên, mới đây tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 6 Luật thuế, phân bón sẽ được chuyển sang đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất ưu đãi 5%. Đây là thông tin Bộ Tài chính đưa ra trong trả lời ý kiến cử tri về mức thuế VAT đối với phân bón nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước như đề xuất trước đó.
Tăng thuế phân bón, trăm dâu đổ đầu nông dân
Đạm Hà Bắc - một trong những công ty chuyên sản xuất phân đạm trên tại miền Bắc từ rất lâu đời. Trong quý I năm 2018, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) tiếp tục báo lỗ hơn 86,4 tỷ đồng và dự kiến lỗ cả năm hơn 720 tỷ đồng.
Theo thông tin thị trường phân bón tháng 8/2017, nếu mức thuế VAT ở mức 0% được thông qua, những doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước như LAS, VAF, SFG, DCM, DPM sẽ hưởng lợi lớn. Bởi các doanh nghiệp này sẽ giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu (hiện tại, giá phân urea Trung Quốc đang rẻ hơn phân bón nội địa khoảng 5-7%).
Về bản chất, khi doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, nguyên liệu, các chi phí đầu vào này đều có thuế GTGT, nhưng đầu ra phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT nên không được hoàn thuế, làm đội chi phí sản xuất. Có nhiều doanh nghiệp bị đội chi phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm, nên buộc phải tăng giá bán. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu lại được hưởng ưu đãi cắt giảm thuế nhập khẩu từ các cam kết thương mại, gây cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường.
Theo đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào. Do số thuế VAT đầu ra tính theo mức thuế suất 5% trong khi máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, điện... phục vụ sản xuất phân bón chịu thuế VAT với mức thuế suất 10% nên những doanh nghiệp này cơ bản được hoàn thuế VAT.
Cũng theo Bộ Tài chính, việc áp thuế VAT với mức 0% như một số đề xuất là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Luật thuế GTGT. Theo đó, Luật thuế GTGT đang có 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Mức thuế 0% áp dụng với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế. Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và hàng hóa, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ thông thường khác.
Với giả định mặt hàng phân bón sẽ chịu thuế GTGT 5% kể từ đầu năm 2019, giới phân tích nhận định DN phân bón sẽ phải gánh thêm 5% thuế trên giá vốn. Nếu các DN phân bón nội địa không đổi giá bán thì lợi nhuận biên lãi gộp của họ sẽ giảm 3-5 điểm phần trăm.
Chưa kể, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay và áp lực về lợi nhuận, theo dự báo, các nhà sản xuất phân bón sẽ tăng giá bán. Còn các DN hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối phân bón, do biên lợi nhuận gộp mỏng nên sẽ đẩy phần lớn gánh nặng thuế sang cho người tiêu dùng là nông dân.
Hiện nay, dư luận vẫn tỏ ra chưa hoàn toàn đồng tình với quan điểm tăng thuế suất VAT nói chung hay áp 5% thuế GTGT với phân bón nói riêng trong điều kiện như hiện nay. Bởi vì bản chất của thuế GTGT là loại thuế gián thu, điều tiết hầu như vào tất các loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
Do đó, bản chất của thuế GTGT tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn cho người chịu thuế. Việc tăng thuế GTGT cộng với việc áp thuế GTGT 5% đối với phân bón sẽ gia tăng gánh nặng về thuế cho những nông dân vì họ phải trả thuế GTGT gián tiếp trong giá cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và sử dụng. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước gánh nặng về thuế mà Bộ Tài chính lẽ ra cần tính đến.
Một khi áp thuế GTGT 5% đối với phân bón đồng nghĩa người nông dân phải chịu thêm một khoản chi phí khi sử dụng các sản phẩm, hàng hóa đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như phân bón luôn chực chờ tăng giá vì thuế.
Đại bộ phận những người làm nông nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, đất đai canh tác phân tán, mức thuế suất này sẽ làm đời sống của họ càng khó khăn hơn.
Thái Hoàng/http://thoibaonganhang.vn