Phía Trung Quốc cũng đã nhanh chóng trả đũa bằng gói thuế quan 25% tương tự nhằm vào 545 mặt hàng NK từ Mỹ - từ ôtô tới nông phẩm, cũng trị giá 34 tỉ USD.
Ảnh minh họa |
Trao đổi với NNVN, các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực XNK nông sản quốc tế nhận định: Trong số các sản phẩm nông nghiệp, thì đậu nành của thế giới sẽ là mặt hàng chịu tác động mạnh nhất từ việc Trung Quốc áp dụng biện pháp trả đũa thuế quan lên mức 25% đối với hàng Mỹ.
Bởi hiện nay, đậu nành là một trong những mặt hàng nông sản mà Trung Quốc NK rất lớn từ Mỹ với kim ngạch NK năm 2017 lên tới gần 13 tỉ USD (trong tổng số nhu cầu đậu nành của Trung Quốc hàng năm khoảng trên 98 triệu tấn).
Trong ngắn hạn, việc Trung Quốc áp thuế NK đậu nành lên mức 25% sẽ tạo ra một cú sốc gây xáo trộn lớn tới thương mại đậu nành trên thế giới, bởi với mức thuế này, các nhà NK lớn của Trung Quốc sẽ phải ngừng NK đậu nành từ Mỹ và buộc phải chuyển hướng sang NK từ một thị trường khác.
Theo các chuyên gia, Argentina hiện là nước SX đậu nành lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, tuy nhiên, lượng đậu nành của Argentina thường cũng đã có những đơn hàng ổn định với các đối tác thương mại lớn trên thế giới nên khó có thể chia sẻ với nhu cầu NK tăng đột biến đến từ Trung Quốc. Trong bối cảnh này, các nhà NK Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải tìm tới một thị trường đậu nành khác ở Nam Mỹ là Brazil.
Lâu nay, Brazil vốn không phải là một ông lớn trong thương mại đậu nành thế giới, tuy nhiên đây sẽ là cơ hội cho họ bởi các nhà NK lớn từ Trung Quốc không còn cách nào khác là phải đổ xô sang thị trường này. Bằng chứng là chỉ sau vài ngày các đòn thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực, giá đậu nành tại Brazil đã tăng chóng mặt lên mức cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây, và nhiều khả năng sẽ còn tăng cao thời gian tới.
Theo một số hãng tin quốc tế, ngay sau khi Trung Quốc áp mức thuế quan 25% lên mặt hàng đậu nành XK từ Mỹ kể từ ngày 6/7, nhiều chuyến tàu chở đậu nành với số lượng hàng chục nghìn tấn từ Mỹ đang trên đường tới cảng Đại Liên của Trung Quốc đã buộc phải tạm dừng cập cảng. Có thông tin là một tàu chở 85.000 tấn đậu nành từ Mỹ bị Trung Quốc từ chối nhập khẩu đã phải đổ bỏ ngoài biển.
“Việc các chuyến hàng chở đậu nành của Mỹ bị mắc kẹt lại trong quá trình lưu thông khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra sẽ là cơ hội để các nhà NK của Việt Nam chớp thời cơ để mua vào với giá hời. Vì vậy, các cơ quan chức năng nên sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc NK các chuyến hàng đậu nành giá rẻ từ Hoa Kỳ trong thời gian tới”, một chuyên gia đại diện cho tổ chức xuất khẩu nông sản của Mỹ tại Hà Nội nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng nêu ý kiến, trong lúc giá ngô, đậu tương, bột bã ngô của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao do bị áp thuế 25%, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Mỹ không có cửa vào Trung Quốc. Lượng nông sản dư thừa của Mỹ đương nhiên phải tìm cách tiêu thụ ở các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, với mức giá dễ chịu hơn. Cơ hội này các DNNK của ta không nên bỏ lỡ.
Tuy nhiên, ông Dương cũng chỉ ra một nguy cơ song hành bên cạnh thời cơ. Đó là cùng với đậu tương thì Trung Quốc cũng tăng thuế NK thịt từ Mỹ. Đương nhiên số thịt Mỹ không xuất được sang Trung Quốc, các doanh nghiệp của nước này sẽ đẩy vào Việt Nam. Với lợi thế, giá thịt của Mỹ rẻ, được chế biến công nghiệp với khối lượng lớn, mẫu mã bao bì đẹp nên khả năng thịt lợn, gà, bò của Mỹ thời gian tới có thể vào Việt Nam nhiều hơn, gây sức ép lên ngành chăn nuôi nội địa vốn đã ốm yếu của ta.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã