Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng): "Ngày 15-9 tới, các tiểu thương kinh doanh tại chợ Nông sản Đà Lạt chỉ được kinh doanh các mặt hàng xuất xứ tại Đà Lạt. Nghiêm cấm mọi hành vi lưu trữ, kinh doanh hàng hóa nông sản có xuất xứ ngoài địa phương để mạo danh nông sản Đà Lạt".
Ông Sơn cho biết, Đà Lạt sẽ nghiêm cấm các hành vi gọt rửa, sơ chế khoai tây, cà rốt... hoặc tiếp tay cho các đơn vị khác có hành vi lừa dối người tiêu dùng. Đồng thời, lắp đặt 4 camera tại khu vực chợ Đà Lạt để giám sát các hoạt động vận chuyển, kinh doanh các loại nông sản; không được đem đất vào chợ Nông sản Đà Lạt với bất kỳ mục đích gì... "Những việc làm này là nhằm kiện toàn quản lý hoạt động chợ nông sản Đà Lạt trước thông tin hàng Trung Quốc mạo danh sản phẩm của Đà Lạt thời gian qua" - ông Sơn nói.
Đề cập vấn đề này, ông Võ Ngọc Hiệp, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết các tiểu thương, đơn vị kinh doanh nông sản nhập từ Trung Quốc là do có đơn đặt hàng của các đầu mối. Có cơ sở nhập 30 - 60 tấn khoai tây trong vòng 2 ngày. Tại Đà Lạt, có 6 cơ sở nhập nông sản Trung Quốc về sơ chế, sau đó đưa đến các chợ đầu mối tại TP HCM tiêu thụ. Trong số này, có 4 cơ sở đưa hàng về chợ đầu mối Thủ Đức.
Ngoài ra, tại Đơn Dương và Đức Trọng cũng có 11 cơ sở hoạt động tương tự. Tuy nhiên, qua kiểm tra, các loại nông sản này đều bảo đảm chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt quá ngưỡng quy định. Một số cơ sở có hành vi trộn đất ở Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Hoàng Sỹ Bích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, nhận định nông sản Trung Quốc nhập về Đà Lạt như hành tây, khoai tây, cà rốt số lượng quá ít, chưa tới 0,1% so với tổng số lượng được sản xuất tại đây. Một số cơ quan báo chí thông tin rầm rộ như thời gian vừa qua "dễ gây hiểu lầm, dư luận hoang mang" (!?)
Tuy nhiên, vị này lại nhấn mạnh: "Điều cấp thiết nhất hiện nay là phải tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh, không vì hám lợi mà làm hàng giả, hàng nhái nông sản của Đà Lạt, làm mất uy tín nhãn hiệu nông sản địa phương, thiệt hại cho nhà nông ở Lâm Đồng. Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan và địa phương để tiếp tục triển khai, lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông sản để xử lý vi phạm nếu có".
Quý cuối năm: Xuất khẩu gạo kỳ vọng sẽ sôi động
Sau gần bốn tháng rơi vào trầm lắng do thiếu nhu cầu, xuất khẩu gạo đang được kỳ vọng sẽ sôi động và có nhiều tín hiệu tích cực hơn trong những tháng cuối năm nay.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 8/2018 khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước ước đạt 441.000 tấn với giá trị đạt 209 triệu USD.
Tính chung trong tám tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo ước đạt 4,4 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, tăng 6,8% về khối lượng và tăng 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá gạo xuất khẩu bình quân bảy tháng đầu năm 2018 đạt 507 USD/tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ sôi động hơn sau gần hai quý rơi vào trầm lắng, do thiếu nhu cầu.
Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ gạo sẽ tiếp tục tăng từ thị trường Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Iraq và các nước châu Phi. Philippines có nhu cầu nhập khẩu thêm 500.000-800.000 tấn từ này đến cuối năm để bổ sung kho dự trữ đang cạn kiệt và ổn định giá gạo trong nước.
Các doanh nghiệp Trung Quốc vừa qua cũng đã làm việc với các doanh nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long để tìm cơ hội hợp tác trong thương mại gạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lớn của nước này. Các nước Indonesia, châu Phi cũng có nhu cầu nhập khẩu ở các tháng cuối năm để đối phó với sản xuất suy giảm do bão lũ...
Mặt khác, xuất khẩu gạo được dự báo sẽ sôi động hơn từ quý 4 năm nay, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu với chủng loại đa dạng hơn, nhờ Chính phủ vừa thông qua Nghị định 107/2018 thay thế Nghị định 109 về xuất khẩu gạo.
Các doanh nghiệp cũng dự báo từ tháng 10 trở đi, tình hình xuất khẩu gạo sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan hơn. Nhu cầu gạo từ thị trường Philippines và Indonesia được kỳ vọng sẽ làm lực đẩy cho giá gạo Việt Nam có mốc mới.
Về phía các doanh nghiệp, việc xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh ở thị trường Trung Quốc đang đặt ra bài toán tìm kiếm thị trường mới cho ngành gạo Việt Nam, nhất là mặt hàng gạo nếp.
Theo nguồn tin từ các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo nếp đang tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ nếp sang thị trường Indonesia nhằm tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Đây là một thị trường ở khu vực Đông Nam Á cũng có thói quen tiêu thụ nếp và có ít doanh nghiệp trước đây vẫn xuất khẩu sang thị trường này nhưng khối lượng không nhiều. Nhờ động thái tích cực này mà giá gạo nếp xuất khẩu trên thị trường hiện có xu hướng tăng nhẹ, dao động ở mức 440 USD/tấn, thay vì dưới 400 USD/tấn như thời điểm tháng 7-8 vừa qua.
Tuy vậy, trong bối cảnh đó, ngành gạo cũng có nhiều thách thức phải đối mặt. Theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), trong thời gian tới, Philippines và Indonesia có mua thì cũng theo phương thức đấu giá hoặc đàm phán với giá thấp. Dù ký kết theo hợp đồng tập trung hay thương mại thì gạo Việt Nam cũng đang trong thế khó.
Mối nguy lớn khi đồ gỗ Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt để xuất khẩu
Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, các chuyên gia lo ngại về việc hàng Trung Quốc “đội lốt” sản phẩm “Made in Vietnam” để xuất sang Mỹ. Và Việt Nam sẽ là nước phải hứng chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại giữa hai “ông lớn” này.
Mới đây nhất, ngành thép Việt Nam hứng chịu bài học “cay đắng” sau khi thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá mức “khủng” 199,76% và thuế đặc biệt lên tới 256,44%. Ngay sau đó, Liên minh Châu Âu (EU) cũng quyết định điều tra phòng vệ thương mại với mặt hàng thép Việt Nam do nghi ngờ chúng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Không chỉ thép, mặt hàng gỗ cũng đang đứng trước nguy cơ bị vạ lây từ hàng Trung Quốc tràn vào với giá rẻ, núp bóng xuất xứ Việt Nam để né thuế. Đại diện của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho biết “Nếu các công ty Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam nhằm thay đổi xuất xứ, chứng từ để xuất khẩu sẽ là mối nguy lớn cho hàng Việt”.
Hiện các ông chủ Trung Quốc đang mở rộng đầu tư, xây dựng và lắp đặt nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất để tận dụng thị trường Việt Nam, đội lốt sản phẩm Việt Nam rồi xuất sang Mỹ. Điều đáng lo ngại là việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ồ ạt sang Việt Nam sẽ đẩy lượng đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến, từ đó ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại Mỹ. Nếu tình trạng này xảy ra, chính quyền Tổng thống Donal Trump chắc chắn sẽ “để mắt” tới sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam và nhiều khả năng việc áp thuế chống bán phá giá như đã làm với thép sẽ xảy ra. Điều này gây thiệt hại lớn đến DN sản xuất và xuất khẩu mặt hàng gỗ trong nước.
Trước tình trạng cấp bách trên, các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm gỗ xuất khẩu đang kiến nghị các ngành chức năng kiểm soát chặt xuất xứ các sản phẩm gỗ nhằm tránh tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam.
Một chuyên gia cho biết, mặc dù chưa có thống kê thiệt hại cụ thể của các doanh nghiệp, nhưng tình trạng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nỗi lo mất thị trường bởi các doanh nghiệp Trung Quốc đội lốt hàng Việt. Thị trường vẫn còn, nhưng miếng bánh đã không còn là của mình mà nằm trong tay người khác.
Hiện tại, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2018.
Giá thịt lợn có thể tiếp tục tăng nếu dịch tả lợn Châu Phi bùng phát
Giá thịt lợn trong nước đang chững lại nhưng có thể tăng nếu dịch tả lợn Châu Phi ở Trung Quốc bùng phát, lượng thịt lợn nhập về bị thiếu hụt.
Tại các tỉnh miền Bắc (ngày 3/9) giá lợn hơi đang dao động ở mức 48.000 - 54.000 đồng/kg. Trong đó, các địa phương như Hà Nội đang dao động từ 50.000 - 53.000 đồng/kg. Một số tỉnh khác như Hải Phòng, Sơn La, Lai Châu giá lợn hơi xuất chuồng đạt 52.000 - 54.000 đồng/kg.
Giá lợn giống loại 8 - 10kg khu vực miền Bắc dao động từ 1,4 - 1,7 triệu đồng/con.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 1/8/2018, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF) lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Tính đến 1/9 đã có hơn 38.000 con lợn đã bị tiêu hủy trên toàn Trung Quốc. Từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia (bao gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, CH Séc…) báo cáo có dịch tả lợn Châu Phi.
Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virus dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam thông qua việc buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn nhập lậu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện khẩn số 6741 ngày 30/8.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác chống buôn lậu lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Tăng cường theo dõi đàn lợn tại địa phương, nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng điển hình của bệnh dịch tả lợn Châu Phi hoặc nghi là lợn nhập lậu trái phép thì cần lấy mẫu gửi chi cục thú ý vùng. Các tỉnh, thành phố cần thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các cửa khẩu các địa bàn có nguy cơ cao.
Giá lợn hơi trong nước đã chững lại sau một thời gian liên tục tăng cao, giao động ở mức từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, nhưng việc phát sinh bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại Trung Quốc sẽ làm thị trường có những diễn biến phức tạp. Hiện giá lợn tại Trung Quốc đang thấp hơn Việt Nam khoảng 4.000 - 7.000 đồng/kg, nhưng nếu dịch bệnh bùng phát giá thịt lợn hơi tại Trung Quốc sẽ tăng, nguồn hàng cũng khan hiếm. Việc nhập thịt lợn từ Trung Quốc về có thể xoay ngược lại thành xuất sang Trung Quốc. Điều này có thể đẩy giá lợn trong nước tiếp tục tăng.
Xuất khẩu thủy sản khó đạt mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2018
Trong bối cảnh xuất khẩu tôm và hải sản có xu hướng giảm, chỉ cá tra có chiều hướng tích cực, VASEP dự báo tổng xuất khẩu thủy sản cả nước năm 2018 khó đạt được kế hoạch 10 tỷ USD đã đặt ra từ đầu năm.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) dẫn nguồn tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tính đến ngày 15/8/2018 đạt 5,09 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm sẽ đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm từ quý II sụt giảm và tiếp tục xu hướng này trong quý III, với mức giảm 20% trong tháng 7 và tiếp tục giảm 17% trong tháng 8, khiến cho tổng xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 bị ảnh hưởng giảm với doanh số 809 triệu USD, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng mạnh với khoảng 195 triệu USD trong tháng 8 (tăng 25%); cá ngừ tăng 15%, cá biển khác tăng nhẹ 2% nhưng không đủ bù đắp mức sụt giảm xuất khẩu tôm và mực, bạch tuộc (giảm 12%).
Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tôm đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức dự báo lạc quan, nếu xuất khẩu tôm 4 tháng cuối năm tăng nhẹ so với những tháng qua, thì xuất khẩu tôm năm 2018 có thể đạt khoảng 3,7 – 3,8 tỷ USD, tương đương năm 2017.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra vẫn có chiều hướng tăng mạnh với mức tăng 20-25%. Tổng xuất khẩu cá tra 8 tháng đầu năm 2018 đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP dự báo xuất khẩu cá tra cả năm nay sẽ đạt khoảng 2,1 - 2,2 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2017.
Mặc dù cá ngừ xuất khẩu vẫn đạt tăng trưởng dương 11% với 417 triệu USD trong 8 tháng đầu năm, nhưng mức tăng trưởng trong các tháng của năm 2018 hầu như thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2018. Thẻ vàng IUU đã có tác động giảm đối với xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang EU. Mặt hàng cá ngừ sang thị trường này ít bị giảm nhất nhưng xuất khẩu các mặt hàng hải sản khác, như mực, bạch tuộc, nhất là các loại cá biển khác sang EU đều sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, tác động đến kết quả xuất khẩu chung. Tổng xuất khẩu mực, bạch tuộc tính đến cuối tháng 8 đạt 414 triệu USD, chỉ duy trì mức tăng khiêm tốn 3% sau khi bị giảm trong 2 tháng gần đây.
Trong bối cảnh xuất khẩu tôm và hải sản có xu hướng giảm, chỉ cá tra có chiều hướng tích cực, VASEP dự báo tổng xuất khẩu thủy sản cả nước năm 2018 khó đạt được kế hoạch 10 tỷ USD đã đặt ra từ đầu năm.