Xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn thuộc tốp đầu của thế giới.
Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng Bảy năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 264,32 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, bằng 56,5% kế hoạch năm. Trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu 3,06 tỷ USD. Trong đó, khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,1 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước ước đạt 15,1 tỷ USD.
Tăng trưởng xuất khẩu trong hơn một thập kỷ qua chính là điểm sáng nhất của bức tranh kinh tế Việt Nam. Đáng chú ý, năm 2017, lần đầu tiên xuất khẩu vượt mốc 200 tỷ USD.
Dù đánh giá cao những điểm tích cực của xuất khẩu hàng hóa những năm qua, song, Bộ Công thương cũng thừa nhận, tăng trưởng xuất khẩu dù nhanh và mạnh cả về sản lượng và giá trị, vẫn còn tồn tại những điểm yếu cho thấy tính thiếu bền vững. Đơn cử, xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo đó, xuất khẩu của khối DN này vẫn chiếm trên 70%.
“Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh hơn” - ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nhận định.
Đối với nhóm hàng nông, thủy sản, ông Hải nhận định rằng mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm này chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm tới 52,7%). Ngoài ra một số mặt hàng phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
Giúp tăng trưởng xuất khẩu được bền vững là câu hỏi mang tính thời sự, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập mạnh mẽ như hiện nay.
Giới chuyên gia kinh tế đưa ra lời giải: Để có thể xuất khẩu mạnh mẽ và đảm bảo tính bền vững, sản xuất nông nghiệp cần phải được cải tiến, cần được đầu tư phát triển để hình thành sản xuất lớn, tạo ra một lượng hàng lớn đồng nhất về chủng loại và chất lượng.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam phải giải được bài toán: Hoặc tiếp tục xuất khẩu tập trung vào gia công, lắp ráp giá trị gia tăng thấp; hoặc đa dạng hoá và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để tham gia vào công đoạn đem lại giá trị gia tăng hơn. Như vậy mới giải tỏa được câu chuyện xuất khẩu tăng trưởng mạnh mà thiếu bền vững.
Minh Phương/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã