“Cần sớm xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm cam Sành”
“Cần sớm xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm cam Sành nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng VietGAP và tiêu thụ theo tem, nhãn, đưa chỉ dẫn địa lý tiếp cận sâu hơn với thị trường” - ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết.
Theo ông Hải, huyện Vị Xuyên có 7 xã nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cam Sành, gồm: Trung Thành, Việt Lâm, Quảng Ngần, Ngọc Linh, Đạo Đức và các thị trấn Việt Lâm, Vị Xuyên. Trong đó, có trên 45 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất bình quân đạt 10 -12 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 30 - 35 tấn/ha. Nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm, năm qua tỉnh đã hỗ trợ 800 hộp cát-tông in nhãn hiệu cam Sành, 20 nghìn tem cam Sành cho các hộ có sản phẩm cam VietGAP. Sau khi có bao bì, tem, nhãn, giá cam Sành tăng từ 20 - 25%, đạt mức 10 - 15 nghìn đồng/kg thời điểm chính vụ, bước đầu cho kết quả khả quan.
Tuy nhiên, diện tích cam được chứng nhận VietGAP của huyện còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng tập trung, khó khăn trong công tác quản lý; số lượng bao bì vỏ hộp, tem, nhãn các nhà vườn được cấp hỗ trợ còn ít, chỉ đáp ứng được gần 2% sản lượng cam VietGAP, trong khi đó tỉnh chưa có quy định cụ thể về quản lý tem dán, bao bì sản phẩm nên các nhà vườn còn thụ động.
Nhằm tránh tình trạng được mùa rớt giá và tiêu thụ cam Sành đổ đống như vừa qua, tỉnh cần sớm xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm. Đồng thời, hàng năm có thông báo về việc đăng ký số lượng tem, nhãn cho sản phẩm cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP để công tác in ấn, quản lý bao bì đạt hiệu quả cao./.