Thị trường hấp dẫn
Dẫn đầu đoàn 15 doanh nghiệp chăn nuôi mạnh nhất của xứ sở hoa tulip tham gia triển lãm Vietstock 2014, ông Arie Veldhuizen- Tham tán nông nghiệp của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, cho biết tại Việt Nam đang có khoảng 10 doanh nghiệp Hà Lan đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và họ khẳng định rằng thị trường Việt Nam còn dư địa rất rộng lớn trong mảng chăn nuôi. Chính vì thế, thông qua triển lãm Vietstock lần này, các doanh nghiệp Hà Lan muốn đẩy mạnh “tấn công” đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi còn nhiều tiềm năng của Việt Nam.
Thế mạnh của các doanh nghiệp Hà Lan trong nông nghiệp là khả năng sản xuất cho năng suất cao nhưng lại ít tốn kém về nguồn lực. “Các doanh nghiệp Hà Lan có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả và tính bền vững của quá trình sản xuất trong suốt chuỗi giá trị. Không phải bằng cách sao chép công nghệ của Hà Lan mà bằng cách phát triển các giải pháp riêng biệt thích nghi với hoàn cảnh địa phương. Và quan trọng hơn nữa là việc đào tạo, tư vấn, hướng dẫn những gì cần thiết cho nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức tham gia trong việc sản xuất lương thực” – ông Simon Van der Burg phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm Vietstock 2014.
Trước đó trong tháng 3 và tháng 8.2014, đoàn doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất thịt gia súc EU (UPEMI) cũng đã đến Việt Nam để thúc đẩy giao thương lĩnh vực thực phẩm. Ông Wiesław Rozanski - Chủ tịch UPEMI từng khẳng định, ngoài Mỹ và Hàn Quốc, Việt Nam là thị trường tập trung hiện nay của UPEMI để tổ chức chương trình quảng bá thịt gia súc của EU. Bởi Việt Nam là thị trường có dân số đông, văn hóa ẩm thực phong phú, tỷ lệ tiêu thụ thịt trên đầu người còn thấp nên tiềm năng mở rộng thị trường còn rất lớn. Trong vòng 2 năm tới, các nhà sản xuất thịt tại EU sẽ triển khai nhiều hoạt động để đưa sản phẩm thịt của EU đến với người tiêu dùng Việt Nam.
Không chỉ có đoàn Hà Lan, hàng chục doanh nghiệp khác trong lĩnh vực chăn nuôi của đoàn các nước Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Anh, Mỹ,Trung Quốc... cũng đang ráo riết tìm kiếm bạn hàng và cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam. Với thế mạnh là có nền công nghệ cao về chăn nuôi, các doanh nghiệp này muốn thâm nhập vào Việt Nam theo hệ thống chuỗi, chứ không đầu tư riêng lẻ.
Chẳng hạn Công ty DanBred International (Đan Mạch) có thế mạnh về heo giống với sản lượng sinh sản của heo nái đạt 32 - 35 con/năm (ở VN con số này bình quân chỉ được gần 20 con). Đầu tư vào Việt Nam họ liên kết với Công ty SKIOLD chuyên cung cấp các thiết bị, kỹ thuật, hệ thống chuồng trại, dinh dưỡng và công nghệ quản lý trong chăn nuôi, để hình thành nên một công nghệ chăn nuôi heo khép kín. Tất cả các doanh nghiệp này đều khẳng định, sau khi Hiệp định thương mại Việt Nam - EU được ký kết, họ sẽ tới Việt Nam thành lập doanh nghiệp và xây dựng nhà máy, trang trại chăn nuôi heo giống lớn.
Tăng đầu tư trong nước
Đón đầu hàng loạt các Hiệp định thương mại Việt Nam với EU và một số nước châu Á, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết, sẽ mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường và tăng cường xuất khẩu, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng đẩy mạnh đầu tư vào ngành chăn nuôi.
Một trong những “đại gia” trong ngành chăn nuôi hiện nay, Tập đoàn Japfa của Indonesia đang đầu tư hơn 10 triệu USD xây dựng trại heo ông bà và con giống với tham vọng chiếm lĩnh luôn thị trường heo giống ở Việt Nam và tăng năng suất đàn heo của tập đoàn này.
Ông Nguyễn Quốc Trung- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Japfa Comfeed Long An, cho biết hiện công nghệ sản xuất heo giống của Tập đoàn Japfa đang phát triển rất tốt, không hề thua kém so với nước ngoài, sản lượng heo nái sinh sản đã đạt gần 29 con/năm. Hiện Japfa đang có kế hoạch sẽ xuất khẩu thịt heo trong vài năm tới (hiện VN chưa xuất khẩu được thịt heo – PV) và đặt mục tiêu trở thành công ty di truyền giống đứng đầu khu vực Đông Dương năm 2020.
Ngoài ra, 2 tập đoàn chăn nuôi lớn khác là CP của Thái Lan và Emivest của Malaysia cũng đang tăng đầu tư xây dựng thêm nhà máy thức ăn chăn nuôi, trang trại giống và tăng đàn heo, gà thông qua hình thức mở rộng mạng lưới gia công.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã