Theo Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, giá các mặt hàng thiết yếu trong tháng 8 hầu hết tăng do tác động của cả thị trường thế giới lẫn cung cầu nội địa. Dự kiến trong tháng này, giá sẽ tiếp tục tăng nhưng mức tăng có thể nhẹ hơn tháng trước.
Cơ quan này cho rằng, trong tháng 9/2012, mặt bằng giá thị trường sẽ chịu tác động bởi một số yếu tố như: Giá một số nguyên vật liệu trên thị trường thế giới dự báo có xu hướng tăng (lương thực, thức ăn chăn nuôi, LPG...). Trong nước, tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong tháng 8; giá dịch vụ khám chữa bệnh được điều chỉnh tăng tại một số địa phương...; nhu cầu một số hàng hoá tăng trong tháng 9 như: nhu cầu mua sắm trang phục, đồ dùng học tập tăng do chuẩn bị khai giảng năm học mới 2012-2013; nhu cầu mua sắm nhân dịp Tết Trung thu...
Ngoài ra, dịch bệnh trên vật nuôi chưa được không chế hoàn toàn có thể tác động tâm lý tiêu dùng làm tăng giá thực phẩm thay thế; mùa mưa bão tiếp diễn có thể tác động đến nguồn cung thực phẩm…
Tuy nhiên, thị trường cũng có nhiều yếu tố tác động giảm áp lực tăng giá như cân đối cung-cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững, tình hình kinh tế vĩ mô có những chuyển biến tích cực. Ngoài ra, các cơ quan quản lý có các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, tăng cường và thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý giá cả, thị trường; thực hiện chương trình bình ổn thị trường tại một số địa phương…
Với mặt hàng gạo, trong tháng 8, giá gạo xuất khẩu nước ta tăng phổ biến 10 - 20 USD so với tháng 7, giá lúa gạo tại ĐBSCL cũng tăng 350-600 đồng/kg. Nguyên nhân là do giá gạo của Thái Lan đứng ở mức cao, một số nhà nhập khẩu đã chuyển sang mua gạo của Việt Nam và làm giá tăng. Trong khi đó, ở trong nước, việc triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo theo Quyết định số 812/QĐ-TTg ngày 2/7/2012 của Thủ tướng đã tác động đẩy giá thóc, gạo tăng lên.
Dự báo trong thời gian tới, do tình hình thời tiết bất lợi tại Ấn Độ, Mỹ và những tác động từ chương trình thế chấp lúa gạo tại Thái Lan nên giá gạo thế giới và giá thóc gạo trong nước có xu hướng tăng.
Với nhóm hàng thực phẩm, trong tháng trước, giá biến động không đáng kể nhờ nguồn cung dồi dào và tiêu thụ ổn định. Xu hướng này sẽ giữ vững trong thời gian tới, ít nhất là trong tháng này.
Giá đường cả trong nước lẫn thế giới trong khi đó đều ở xu hướng giảm, với đường tinh luyện giảm khoảng 20 - 40 USD/tấn so với tháng 7, còn trong nước giảm 500 - 1.200 đồng/kg bán buôn loại RS và giảm 100 đồng/kg với loại đường RE. Giá bán lẻ đường ổn định so với tháng 7/2012, khoảng 20.000-24.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá đường thế giới giảm là thời tiết ủng hộ hoạt động sản xuất đường tại Ấn Độ và Braxin, cùng với hoạt động bán tháo của các nhà đầu tư đặc biệt là nhu cầu giảm từ phía các nhà nhập khẩu tại Trung Quốc-nước tiêu thụ đường lớn trên thế giới.
Giá đường trong nước giảm phần nhiều do tồn kho gia tăng (tới 20/8 là 186.316 tấn, cộng 70.000 tấn nhập theo cam kết WTO) và đường nhập lậu giá rẻ tăng mạnh. Dự báo trong thời gian tới giá đường sẽ tiếp tục chịu xu hướng giảm như tháng 8, với cùng các lý do.
Với mặt hàng phân bón, giá tháng 8 giảm so với tháng 7 từ 17 - 40 USD/tấn Ure tùy thị trường. Giá phân bón Ure trong nước cũng giảm từ 950 - 1.600 đồng/kg tùy khu vực. Nguyên nhân là do nhu cầu thế giới đang ở mức thấp, các nhà nhập khẩu có tâm lý chờ giá xuống thấp hơn nữa mới mua vào. Còn trong nước, giá thế giới giảm cộng với việc giá trong nước đã đứng ở mức khá cao, trong khi nhu cầu vẫn thấp nên kéo giá hạ.
Dự kiến, giá phân bón thời gian tới sẽ ổn định do nhu cầu không có vấn đề gì đột biến.
Giá thức ăn chăn nuôi thế giới ghi nhận mức tăng mạnh do thời tiết xấu tại các nước sản xuất nguyên liệu chủ chốt như Mỹ, Ấn Độ. Giá trong nước tuy nhiên chỉ tăng nhẹ vì nhu cầu thấp. Dẫu vậy, xu hướng giá nhóm mặt hàng này thời gian tới có khả năng chịu tác động mạnh vì nhu cầu chăn nuôi hồi phục phục vụ nhu cầu thực phẩm cuối năm, trong khi giá thế giới vẫn neo ở mức cao.
Nhóm vật liệu xây dựng, giá xi măng tháng 8 giảm nhẹ và dự báo sẽ ổn định trong tháng 9. Giá thép tháng 8 đã giảm 700 - 800 nghìn đồng/tấn bán buôn và 700 nghìn - 1,5 triệu đồng/tấn bán lẻ do sức mua chậm trong khi hàng tồn kho lớn. Giá thép thế giới cũng ở xu hướng đi xuống vì cầu yếu. Xu hướng này nếu có cải thiện thì cũng sẽ không kỳ vọng nhiều trong thời gian tới.
Nhóm xăng dầu đang là vấn đề nhức nhối với nhiều nước do giá quốc tế leo thang. Trong tháng 8, giá xăng trong nước đã tăng tổng cộng 3 lần, sang đầu tháng 9 Bộ Tài chính cho giảm thuế nhập khẩu dầu để tránh tăng giá. Tuy nhiên, với xu hướng hiện nay của tình hình thế giới thì giá xăng dầu vẫn chịu áp lực tăng thời gian tới.
Giá gas cũng đã tăng 3 lần liên tục trong hơn 2 tháng qua, dự kiến sẽ còn tăng tiếp do giá thế giới đi lên bởi bất ổn của khu vực Trung Đông và nhu cầu dự trữ sưởi ấm vào mua đông ở nhiều nước.