Lỗ ngay đầu vụ
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, cho biết vụ mía năm nay tỉnh xuống giống được trên 14.200 héc ta, trong đó, huyện Phụng Hiệp chiếm khoảng 9.000 héc ta và đã thu hoạch được khoảng 1.000 héc ta với năng suất bình quân 100 tấn/héc ta.
So với niên vụ năm ngoái, vụ mía năm nay năng suất khá hơn nhưng giá bán đã sụt giảm, làm người trồng mía rơi vào cảnh lỗ. Ông Nguyên Văn Đua, một hộ dân trồng mía, cũng là người đi mua mía tại ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang cho biết: “Hiện giá mía nguyên liệu rất thấp, thấp hơn niên vụ rồi khoảng 100 – 150 đồng/kí lô gam”.
Cụ thể, đối với giống mía ROC 16 (loại mía cho chữ đường cao nhất) có giá 900 – 1.000 đồng/kí lô gam; ROC 11, 13 có giá 800 – 850 đồng/kí lô gam. Đặc biệt đối với giống mía K88-92 có giá chỉ 750 – 800 đồng/kí lô gam.
Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết với giá bán như hiện nay nông dân trồng mía khó có lãi. “Giá thành sản xuất mía năm nay của huyện khoảng 820 – 850 đồng/kí lô gam nhưng nông dân bán với mức giá 800 – 850 đồng/kí lô gam, thậm chí chưa được 800 đồng/kí lô gam, rõ ràng nông dân sẽ khó có lãi”, ông Tự cho biết.
Không chỉ phải chịu áp lực giá nguyên liệu giảm mạnh, vụ mía năm nay nhân công thu hoạch mía tăng khoảng 40% so với vụ năm ngoái. “Năm ngoái giá nhân công thu hoạch mía chỉ 80.000 – 100.000 đồng/tấn (gồm đốn mía và vận chuyển ra ghe) thì vụ này đã tăng đến 150.000 – 170.000 đồng/tấn”, nông dân Võ Văn Vũ, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang cho biết.
Không để dồn ứ nguyên liệu
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, cho biết hiện tỉnh đang triển khai dự án xây dựng đê bao khép kín 5.000 héc ta mía ở huyện Phụng Hiệp với nguồn kinh phí đầu tư 153 tỉ đồng, dự kiến đến cuối năm 2013, dự án sẽ hoàn thành. |
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam khẳng định: “Sẽ tiêu thụ hết mía cho nông dân theo đúng tiến độ, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng mía dồn ứ như vụ năm ngoái”
Tại cuộc họp giải quyết tình hình tiêu thụ mía trong khu vực được tổ chức tại Hậu Giang vào đầu tháng 9, đại diện các nhà máy đường trong khu vực đảm bảo sẽ tiêu thụ hết mía cho nông dân, ưu tiên tiêu thụ mía trong những vùng dễ bị ngập lụt trong trường hợp nước lũ về.
Ông Tự cho biết: “Ngành mía đường hứa sẽ tiêu thụ hết mía cho nông dân, không để xảy ra dồn ứ nguyên liệu vì vậy tôi tin vấn đề tiêu thụ năm nay sẽ khả quan hơn”.
Theo ông Tự, ngoài 3 nhà máy đường trong tỉnh đã hoạt động từ đầu tháng 9, thì từ ngày 15-9 các nhà máy đường trong khu vực ĐBSCL cũng đã hoạt động nên vấn đề nguyên liệu sẽ nhanh chóng được giải giải quyết.
“Hiện nhà máy đường Ấn Độ (Long An) cũng đã xuống vùng mía của tỉnh Hậu Giang thu mua nguyên liệu vì vậy tình trạng như năm ngoái sẽ không tái diễn nữa”, ông Đồng cho biết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã