Phát biểu tại Hội nghị giải pháp tiêu thụ đường bền vững diễn ra chiều ngày 24.5, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) thông tin, năm 2016 - 2017 là năm bất thường đối với nghành mía đường vì sản lượng tồn kho khủng khiếp, lên đến 750.000 tấn. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, mưa bão ở miền Trung, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và tác động của El-Nino.
Cảnh thu hoạch trên đồng mía ở Tây Nguyên. Ảnh: Thuận Hải
“Bên cạnh đó, tình trạng hoạt động buôn lậu gia tăng trên khắp ba miền đất nước, rồi hàng gian hàng giả tràn lan cũng khiến lượng đường tiêu thụ giảm mạnh”, ông Doanh nói.
Hầu hết các doanh nghiệp mía đường đều chung nhận định do thời tiết, buôn lậu gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất. Nêu ra các khó khăn trước mắt, doanh nghiệp đề nghị cơ quan quản lý nhà nước sớm vào cuộc, đẩy mạnh chống buôn lậu. Việc bình ổn thị trường tiêu thụ trong nước sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, dưới một góc độ khác, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đặt vấn đề, 750.000 tấn đường tồn kho là con số lớn, trong thời buổi cạnh tranh về giá, tại sao doanh nghiệp mía đường không giảm giá thành, đổi mới công nghệ sản xuất để tạo sức cạnh tranh với thị trường?
Nếu giá đường trong nước giảm, người tiêu dùng sẽ ưu tiên chọn đường do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thay vì dùng đường Thái Lan.
Với số liệu 750.000 tấn đường tồn kho do VSSA công bố, dư luận lại đặt câu hỏi liệu có hay không chuyện đầu cơ, găm hàng để chờ bán được giá?
Đại diện Công ty TNHH đường Vạn Phát (Phú Yên) cho rằng, thực tế có nhiều doanh nghiệp găm hàng, đầu cơ. Nhằm lúc thị trường đang thiếu thì đưa giá bán đường trên trời. Giá đường trong nước tăng cao thì giới "đầu nậu” lại tăng cường vận chuyển mặt hàng này qua Việt Nam để bán và hưởng tiền lời chênh lệch.
“Chúng ta đang hô hào với người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhưng không thể hô hào suông để túi tiền họ bị móc hết. Giá cả là quan trọng, giá đường doanh nghiệp nào rẻ thì tất nhiên người dân sẽ tìm mua”, vị đại diện này nói.
Phản bác lại luồng ý kiến trên, các doanh nghiệp mía đường viện lý do, giá đường hiện nay phụ thuộc vào giá mía của người nông dân trên đồng ruộng. Bản thân công ty họ không thể tự ý giảm giá đường được, bởi làm thế sẽ ảnh hưởng đến đời sống nông dân.
Một doanh nghiệp cho hay, giá mía của nông dân trong nước ta bán ra đắt hơn so với Thái Lan. Trong khi chất lượng mía và năng suất mía thì không bằng. Từ đó dẫn đến thực trạng đường trong nước bán ra giá cao hơn Thái Lan.
Cuối hội nghị, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ông Phạm Quốc Doanh cho rằng, khi nào doanh nghiệp có cạnh tranh về giá thì tình trạng buôn lậu mới giảm xuống. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành mặt hàng đường. "Thời gian tới tái cơ cấu là nhiệm vụ quan trọng của ngành mía đường Việt Nam" - ông Doanh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cam kết ghi nhận các kiến nghị của phía Hiệp hội, sẽ họp với các Bộ ngành liên quan để tiếp tục giải quyết nạn buôn lậu, chênh lệch giá... Bộ NNPTNT sẽ đề nghị Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo cho các địa phương tăng cường chống buôn lậu ở biên giới và áp dụng các biện pháp giảm nhẹ thiên tai, quy hoạch vùng trồng mía...
Thanh Tuấn
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã