Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh ký MOU với Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh.
Theo Bộ Công thương, trong 2 năm gần đây, Bangladesh liên tục phải đối mặt với nhiều thiên tai, mất mùa, dẫn tới việc thiếu gạo để cung cấp đủ cho người dân trong nước.
“Tiếp tục triển khai công tác phát triển thị trường nước ngoài, trong bối cảnh tình hình thị trường tiêu thụ đầu ra còn nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm 2017, Bộ Công thương đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm thị trường XK cho hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng, trong đó tập trung đối với mặt hàng gạo. Bên cạnh những thị trường truyền thống, Bộ còn chú trọng khai thác các thị trường mới, có nhiều tiềm năng, có dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ gạo cao, sức mua ổn định và lâu dài”, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, cho hay.
Với sự chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường, theo thông tin được biết, ngay khi tiếp cận và nắm được nhu cầu của phía Bangladesh, nhằm tranh thủ tận dụng được cơ hội mở thị trường XK gạo, chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy 2 tuần lễ, Bộ Công thương đã khẩn trương trao đổi với phía Bangladesh trên cơ sở quan hệ hữu nghị tốt đẹp để xác định cơ hội cụ thể, chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lấy ý kiến tham gia về nội dung dự thảo và sau đó báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để chính thức ký MOU lần này.
Việc Bangladesh đồng ý ký kết gia hạn MOU về Thương mại gạo ở cấp Chính phủ để tiếp tục mua gạo của Việt Nam cũng như việc cử Bộ trưởng Bộ Lương thực sang Việt Nam để ký MOU này đã thể hiện việc phía Bangladesh rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam.
Phía Bangladesh đánh giá rất cao chất lượng, giá cả cũng như cách thức triển khai hợp đồng, đảm bảo uy tín của DN Việt Nam trong những lần hợp tác trước. Vì vậy, mặc dù có nhiều đối thủ cạnh tranh về chất lượng, giá cả cũng như khoảng cách địa lý, phía Bangladesh vẫn quyết định chọn Việt Nam là nước cung cấp gạo cho Bangladesh trong thời gian dài sắp tới.
MOU mới được ký gia hạn lần này sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký, từ năm 2017 đến năm 2022. Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn; hai bên cũng đã chỉ định các đầu mối của mình để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng.
Bangladesh là thị trường có dân số rất đông, trên 170 triệu người, sức tiêu thụ cao trong khi khả năng cung ứng lương thực còn thấp, thường xuyên phải đối mặt với mất mùa, thiên tai. Trong bối cảnh ngành SX lúa gạo của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra của sản phẩm, việc Chính phủ hai nước ký kết gia hạn được Bản ghi nhớ này trong thời gian 5 năm sẽ giúp ngành SX lúa gạo trong nước giải được một phần bài toán đầu ra, giúp các DN và bà con nông dân yên tâm canh tác.
Ngay sau khi ký kết Bản ghi nhớ này, phía Bangladesh đã thông báo việc phía Bangladesh mong muốn mua ngay của Việt Nam khoảng 250.000 - 300.000 tấn gạo trắng 5%. Phía Bangladesh chính thức mời đầu mối của phía Việt Nam sang Bangladesh trong thời gian sớm nhất để làm việc, đàm phán về giá cả và khối lượng, phương thức giao hàng… với đầu mối của phía Bangladesh về đơn hàng nêu trên. Đồng thời, phía Bangladesh cũng cho biết mong muốn mua tổng số lượng khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ nay đến hết năm 2017. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã