Tín hiệu khả quan
Giữa tháng 5 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã kết thúc các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT) sau 6 năm đàm phán.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) - cho biết, EU có nhu cầu nhập khẩu khoảng 85 tỷ USD - 90 tỷ USD đồ gỗ/năm nhưng kim ngạch XK gỗ của Việt Nam sang thị trường này mới chỉ đạt 700 triệu - 800 triệu USD/năm. Hiệp định này sẽ giúp mở rộng thị trường XK gỗ ra 28 nước khu vực EU thay vì chỉ có 5 nước chính (Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha) như hiện nay. Kim ngạch XK gỗ vào EU có thể lên đến hàng tỷ USD mỗi năm.
Bên cạnh đó, cơ hội về thị trường cũng đang rộng mở khi các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc đang bị Mỹ - một trong những thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất thế giới - áp thuế chống bán phá giá. Hiện nay, Trung Quốc đang chiếm 37% thị phần đồ gỗ nhập khẩu ở Mỹ, do đó, việc đồ gỗ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá sẽ khiến cho đơn hàng từ Mỹ dịch chuyển sang các nước XK gỗ khác, trong đó có Việt Nam. 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK đồ gỗ sang Mỹ đã tăng trưởng hơn 17% - mức tăng trưởng cao nhất trong các thị trường nhập khẩu của nước ta.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 4/2017 đạt 594 triệu USD, đưa khối lượng XK gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2016. |
Thêm nữa, những năm qua, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và các hiệp định này đang dần phát huy tác dụng. Đơn cử, nhờ FTA Việt Nam - Hàn Quốc, 4 tháng đầu năm, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ sang Hàn Quốc tăng trên 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch XK gỗ sang Hàn Quốc thời gian tới vẫn hứa hẹn nhiều tín hiệu khả quan bởi nhu cầu tương đối cao và việc giảm thuế từ FTA giúp sản phẩm gỗ Việt tăng sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại.
Hướng tới mục tiêu 8 tỷ USD
Dự báo, năm 2017, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ trên thế giới tiếp tục tăng. Với những tín hiệu khả quan từ thị trường, ngành gỗ tới đây sẽ có thêm tiềm năng, dư địa phát triển và kim ngạch XK có thể đạt 7,5 tỷ USD năm 2017 và nhanh chóng đạt 8 tỷ USD trong thời gian tiếp theo.
Tuy vậy, có thể nhận thấy khó khăn lớn nhất của ngành gỗ hiện nay là nguồn nguyên liệu gỗ, bởi gỗ rừng trồng trong nước chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu sử dụng, trong khi đó các thị trường đang siết chặt việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Do đó, theo Vifores, DN nên ưu tiên phát triển các mặt hàng sử dụng nguồn gỗ trong nước như ván nhân tạo, đồng thời đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên liệu.
Bảo Ngọc
http://baocongthuong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã