Nhà máy giảm công suất
Số liệu hải quan, từ ngày 1/1 đến 15/4, kim ngạch tôm xuất khẩu của nước ta đạt hơn 738 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bốn thị trường lớn nhất là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông đều tăng. Tuy nhiên, các nhà máy chế biến tôm đều phải hoạt động cầm chừng. Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (CASEP) Ngô Thanh Lĩnh cho biết, tôm nguyên liệu chỉ đáp ứng khoảng 42% tổng công suất của các nhà máy chế biến. Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa ở Cà Mau, ông Trần Văn Trung nói năm ngoái đã thiếu tôm nguyên liệu nhưng năm nay còn giảm khoảng 30% so với cùng kỳ.
Các nhà máy chế biến đang thiếu hụt tôm nguyên liệu - Ảnh: Phan Thanh Cường
Người nuôi vẫn ngại thả tôm
Dù rải rác đã có mưa đầu mùa nhưng nhiều vùng nuôi tôm ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang vẫn hoang vắng, đìu hiu. Người dân chưa dám thả giống, một số tận dụng các nguồn nước để thả giống thì bị thiệt hại nặng.
Vùng nuôi tôm công nghiệp ở huyện Long Phú, ven biển Sóc Trăng, chục năm qua phát triển mà nay u ám. Anh Nguyễn Văn Bình ở ấp Mười Chiến, xã Long Phú có 2.500 m2 nuôi tôm công nghiệp nhiều năm cho cuộc sống ổn định, năm nay thả giống chết sạch, lỗ nặng, phải bỏ trống ao để đi làm thuê. Chủ tịch UBND xã Long Phú cho biết, cả xã thả nuôi công nghiệp 95 ha, đã bị thiệt hại 40 ha (hơn 42%).
Ở tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Út ở xã Thuận Hòa (huyện An Minh) cho biết, tôm giống thả ít bữa chưa kịp lớn đã chết rụi, thả nữa vẫn vậy. Bởi vì, nước mặn dưới kênh đến 42 ‰, trong ruộng còn cao hơn vì nước ngọt bốc hơi, mà tôm chỉ phát triển tốt với độ mặn dưới 28‰.
Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Đình Xuyên, cho biết hạn mặn gây ra môi trường bất lợi cho con tôm, khiến tôm bị sốc, và sinh nhiều dịch bệnh. Tôm giống bị sốc môi trường thiệt hại 30 - 70%, số còn lại nuôi chậm lớn. Khảo sát ở nhiều ao nuôi tôm, độ mặn đang trên 40‰. Qua lấy mẫu xét nghiệm ở tỉnh Kiên Giang phát hiện 126 ổ bệnh đốm trắng, hoại tử gan, còi.
Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, trong 12.322 ha tôm nuôi bị thiệt hại, phần lớn thiệt hại 30 - 70%, còn lại thiệt hại trên 70%. Theo dự báo, do nắng nóng, độ mặn cao làm tôm giảm sức đề kháng với các loại bệnh, diện tích tôm bị thiệt hại tăng từng ngày, chưa dừng lại.
Địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất nướclà Cà Mau càng nhiều ruộng tôm hoang vu. Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Văn Sử cho biết, diện tích nuôi tôm công nghiệp 9.700 ha, nay mới thả được 3.000 ha (gần 31%). Theo ông Sử, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân chưa thả giống vì hạn mặn đang gay gắt. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cái Nước (Cà Mau) Nguyễn Phúc Giang cho biết, huyện có hơn 30.000 ha nuôi tôm, trong đó, nuôi công nghiệp trên 2.200 ha nhưng nông dân mới thả 750 ha, còn lại đồng tôm vẫn để hoang.
“Bền vững” cũng thiệt hại
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Dương Thành Trung cho biết: “Những tháng đầu năm 2016, tôm chết do môi trường ở các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp chiếm tới 83% diện tích tôm nuôi bị thiệt hại”. Trong đó, tôm - lúa và tôm -rừng được đánh giá là bền vững, hàng chục năm qua thì năm nay cũng bị thiệt hại.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Văn Phúc thống kê: “Bạc Liêu có 3.897ha rừng, trong đó, 3.089ha rừng được giao khoán cho các hộdân và bà con nông dân sử dụng một phần để nuôi tôm. Khi thời tiết thay đổi cực đoan, diện tích tôm chết đã tăng đột biến”.
Ở xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình, Bạc Liêu), 397 hộ có tôm - rừng đều bị chết tôm rất nhiều. Ông Hàn Lê có hơn 20 năm nuôi tôm dưới tán rừng, thở dài: “Tôi nhận khoán 4ha rừng và nuôi tôm, chưa năm nào tôm chết nhiều như năm nay, do nắng nóng kéo dài, nước bị ô nhiễm”. Ông Nguyễn Văn Lâm phân tích thêm: “Nắng nóng quá nên tôm giống từ thiên nhiên không còn bao nhiêu, phải thả thêm giống làm tăng chi phí. Nước biển cũng không sạch nên sinh dịch bệnh, tôm chậm lớn”.
Còn tôm - lúa chục năm qua nổi tiếng ở vùng U Minh Thượng gồm hai huyện An Minh và An Biên (Kiên Giang), lần lượt có hơn 7.000 ha và 2.000 ha. Nhưng năm nay, những cánh đồng tôm - lúa đều có tôm chết bất thường.
Ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Thuận Hòa (An Minh, Kiên Giang) nói: “Nắng quá, nắng kinh người, ngồi trong nhà còn không chịu nổi thì tôm làm sao sống được. Tôm cứ chết lai rai hoài, con nào còn sống thì nước có độ mặn cao cũng chậm lớn, không biết vụ này rồi thu hoạch có được gì hay không?”. Láng giềng với ông Tuấn là ông Trần Thanh Khánh nói thêm: “Tôm chết rải rác vì chênh lệch nhiệt độ ban ngày và ban đêm quá lớn”.
Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, ông Trần Văn Thương, cho biết toàn xã có 5.000 ha tôm - lúa, đã bị thiệt hại hơn 2.000 ha (40%) do độ mặn vượt ngưỡng chịu đựng của tôm. Ông nhấn mạnh, chủ yếu tôm chết do sốc môi trường, số còn sống thì chậm lớn nên thu hoạch không đáng kể. “Nhiều người luân canh tôm - lúa có cuộc sống ổn định chục năm qua, năm nay đã phải bỏ quê đi xa làm thuê, để lại đồng tôm hoang vu, buồn lắm”, Chủ tịch Thương thở dài.
>> Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến ngày 19/5, 8 tỉnh ĐBSCL đã có 81.413 ha tôm nuôi bị thiệt hại, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh Cà Mau bị thiệt hại lớn nhất, với 52.467 ha, chiếm 20% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã