Thông tin từ hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ hè thu 2016 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, mùa 2016 tại Nam bộ và ĐBSCL” tuần qua cho thấy xuất khẩu gạo trong quý I-2016 của Việt Nam tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ hợp đồng ký trong quý IV-2015 chuyển sang nhiều, nhưng kể từ tháng 4/2016 đến nay, xuất khẩu gạo liên tục sụt giảm do hợp đồng thương mại ký mới ít và hợp đồng tập trung cấp Chính phủ trầm lắng. Lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ trong 6 tháng cuối năm nay chỉ khoảng 3,9 triệu tấn trong khi triển vọng thị trường còn nhiều, việc tiêu thụ dự báo không có gì đáng lo ngại.
Phải chăng do tình hình này mà Bộ NN&PTNT kêu gọi các địa phương trong vùng ĐBSCL mở rộng sản xuất vụ lúa hè thu và thu đông 2016 lên mức tối đa ở những nơi nằm trong phạm vi an toàn nhằm bù vào phần sản lượng sụt giảm trong vụ đông xuân 2015 - 2016 vừa qua?
Lời kêu gọi này dường như không nằm ngoài suy nghĩ của các địa phương vùng trọng điểm lúa gạo. Cụ thể như tỉnh An Giang đã đặt mục tiêu mở rộng tối đa diện tích sản xuất lúa hè thu và thu đông 2016, quyết tâm đẩy tối đa diện tích sản xuất và hiện đạt 101% kế hoạch sản xuất vụ hè thu, còn vụ thu đông cũng sẽ sản xuất đạt 100% kế hoạch.
Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích sản xuất lúa hiện nay không phải là giải pháp có hiệu quả nhất, trong tình hình thời tiết thiên nhiên khắc nghiệt với hạn hán ngày càng nghiêm trọng, giá gạo xuất khẩu của chúng ta quá thấp, nông dân vẫn cứ nghèo vì bị ép giá và lệ thuộc vào khâu cung ứng vật tư nông nghiệp. Vậy thì hưởng lợi nhiều nhất qua việc mở rộng tối đa diện tích trồng lúa chính là các công ty kinh doanh lương thực với hàng loạt chỉ tiêu lợi nhuận mang tính thành tích.
Do đó vấn đề đặt ra từ nhiều năm nay trong sản xuất gạo không phải là tối đa sản lượng mà là tối ưu trong sản xuất. Quốc hội vừa quyết định điều chỉnh giảm diện tích đất trồng lúa giai đoạn 2016-2020, từ 3,812 triệu hécta xuống còn 3,76 triệu hécta, giảm hơn 52.000 hécta, trong đó, đất chuyên trồng lúa nước giảm gần 93.000 hécta cũng nằm trong dòng suy nghĩ này. Trong số 3,76 triệu hécta đất trồng lúa được giữ lại, có khoảng 400.000 hécta được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Việc điều chỉnh này nhằm sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất; có tính đến việc duy trì quỹ đất trồng lúa hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn biến nhanh hơn dự báo.
Trong số 400.000 hécta đất lúa được chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác, thì ĐBSCL là vùng có diện tích chuyển đổi nhiều nhất, khoảng 200.000 hécta. Phần lớn diện tích này là khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, trồng lúa kém hiệu quả hơn các loại cây trồng, vật nuôi khác. Theo ước tính của Bộ NN&PTNT, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm nay ảnh hưởng đến khoảng 500.000 hécta đất canh tác lúa của vùng ĐBSCL.
Với diện tích lúa còn lại sau khi điều chỉnh, với việc áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, chuyên canh, các nhà quy hoạch ước diện tích gieo trồng lúa đạt trên 7 triệu hécta (tính theo năm), với năng suất bình quân 60 tạ/hécta, sản lượng 42 triệu tấn lúa/năm, vẫn đảm bảo an ninh lương thực ngay cả khi dân số quốc gia tăng lên mức 120 triệu người. Vậy thì yêu cầu của Bộ NN&PTNT và VFA quy tụ các công ty kinh doanh lương thực trong chừng mực đi ngược lại chủ trương chung, dù chỉ là tạm thời.
Chuyển một phần đất trồng lúa sang cây trồng khác có hiệu quả hơn là một chủ trương hoàn toàn đúng nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống của nông dân.
Một báo cáo tổng kết của Cục Trồng trọt cho biết, năm 2016 sẽ có 30.0000 hécta trồng lúa chuyển sang cây trồng khác, và do đó, sản lượng lúa cả năm 2016 dự kiến vào khoảng 45,19 triệu tấn, giảm 70.000 tấn so với năm 2015.
>> Giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu lúa gạo
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo (gồm chính ngạch và tiểu ngạch), tức là ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực, vẫn còn khoảng 1/3 lượng lúa sản xuất mỗi năm cho xuất khẩu. Việc giảm đi một ít lượng lúa về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến an ninh lương thực mà ở một khía cạnh nào đó còn giúp giảm nguồn cung gạo vốn đang dư thừa.
Thái Lan - quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 1 thế giới, đang có trong kho 14 triệu tấn gạo và Chính phủ nước này sẽ phải xuất bán trước năm 2017 nếu không sẽ bán để làm thức ăn chăn nuôi với giá rẻ. Bên cạnh đó những quốc gia khác như Campuchia đang tồn kho khoảng 3 triệu tấn gạo, Ấn Độ là 16,3 triệu tấn gạo và sẽ phải bán ra trong những tháng tới trước khi vào vụ mới. Do đó, cuộc cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
Hiện nay, giá gạo Việt Nam giảm là hiện tượng không bình thường khi mà nhiều quốc gia đối thủ vẫn giữ giá cao, thậm chí tăng vọt. Thông tin từ Ban chỉ đạo Thị trường nông nghiệp, Bộ NN&PTNT, cho thấy bước sang tuần thứ hai tháng 4/2016, giá xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục giảm. Hiện giá gạo 5% tấm chỉ còn hơn 370 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với tuần trước và so với tháng 3/2016.
So với các đối thủ cạnh tranh, gạo xuất khẩu của chúng ta luôn có giá bán thấp hơn. Cùng một chủng loại gạo xuất khẩu nhưng gạo Thái Lan thường có giá cao nhất và gạo Việt Nam có giá thấp nhất. Chẳng hạn, cùng là gạo hạt dài chất lượng cao, nhưng gạo của Thái Lan có giá 592 USD/tấn, trong khi gạo của Việt Nam chỉ có 415 USD/tấn. Tương tự, gạo thơm Hom Mali của Thái Lan có giá 1.025 USD/tấn, còn gạo thơm của Việt Nam 5% tấm chỉ có giá 625 USD/tấn.
Kết quả nghiên cứu của Liên minh “Vì quyền của người nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam” (Liên minh Nông nghiệp) cho thấy, 93% nông dân các tỉnh khu vực ĐBSCL bán lúa tươi tại ruộng. Do có quy mô nhỏ, không có kho chứa, ít vốn, họ dễ bị các thương lái và các công ty kinh doanh ép giá và thường chịu nhiều rủi ro nhất khi có biến động bất lợi trên thị trường. Sự thiếu vắng của các hình thức tín dụng vi mô khiến họ bị phụ thuộc nhiều vào các đại lý cung ứng đầu vào, hoặc tạm ứng của các môi giới, thương lái quen thuộc. Quyết định sản xuất của nông dân hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm, thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp xuất khẩu và họ hầu như không có khả năng mặc cả giá trên thị trường.
Theo Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), chi phí sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang đứng hàng cao nhất so với các nước, điều này khiến giá thành sản xuất gạo cao. Nguyên nhân giá thành sản xuất gạo của Việt Nam cao gồm: Sử dụng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước chưa hợp lý. Ngoài ra, việc chậm cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến, tỷ lệ hao hụt trong thu hoạch đến 10% cũng là nguyên nhân đẩy giá thành sản xuất lúa gạo của Việt Nam lên cao.
Trong tình hình cạnh tranh xuất khẩu gạo trên thế giới ngày càng gay gắt, gạo của chúng ta ngày càng gặp khó khăn. Đã có không ít đề xuất của các chuyên gia rằng quy định 3,8 triệu hécta quỹ đất trồng lúa đã không còn phù hợp, nhất là từ nay về sau sản xuất nông nghiệp sẽ thường xuyên đối diện với hạn hán. Cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ nên phân quỹ này thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất là đất chuyên dụng trồng lúa chất lượng cao do có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn các loại cây trồng khác. Nhóm thứ hai là đất có khả năng dễ dàng chuyển đổi sang các loại cây trồng khác trong trường hợp trồng lúa không cạnh tranh bằng và ngược lại. Việc quyết định trồng các loại cây gì hằng năm là lựa chọn riêng của mỗi hộ nông dân theo nhu cầu của thị trường.
Điều này sẽ giúp ngành nông nghiệp có thể chủ động điều tiết được nguồn cung lúa gạo linh hoạt theo biến động của nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới, đồng thời vẫn bảo đảm được an ninh lương thực và xuất khẩu.
THIÊN NHẬT/DNSGCT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã