Đây là chia sẻ của ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Hội thảo kinh tế: “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2016 - Tăng trưởng kinh tế và Phát triển đầu tư trong bối cảnh hội nhập” tổ chức ngày 3/3 tại TPHCM.
Ảnh minh họa |
Ông Bùi Quốc Dũng cho biết năm 2016, thị trường tài chính quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường tác động bất lợi đến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước.
Thách thức đặt ra đối với điều hành ổn định lãi suất là trong năm 2016 do kinh tế tăng trưởng tốt, kỳ vọng lạm phát tăng, nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) cao tạo áp lực tăng lãi suất lớn.
Đặc biệt, chính sách tiền tệ vừa phải điều tiết thanh khoản hài hòa để kiềm chế lạm phát, giữ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng (TCTD), vừa phải bảo đảm hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các TCTD đầu tư vào TPCP, không để lợi suất TPCP lên cao, qua đó tác động trở lại đến lãi suất dài hạn trên thị trường tiền tệ, gián tiếp cản trở mục tiêu ổn định lãi suất cho vay của các TCTD.
Trong điều kiện thách thức như vậy, NHNN sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế, đồng thời điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan lãi suất thị trường, bảo đảm thanh khoản cho toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỉ giá.
Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tiếp tục có các giải pháp, công cụ điều hành mới về cung ứng tiền phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và điều kiện của thị trường tiền tệ nhằm nâng cao khả năng điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Với các giải pháp này, tuy áp lực đối với lãi suất trong năm nay là lớn nhưng mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất trung và dài hạn vẫn khả thi.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông Việt Nam (OCB) cho biết, lãi suất huy động của các NHTM liên tục tăng trong thời gian qua, thông thường lãi suất huy động tăng tạo áp lực đến lãi suất vay. Nhưng trong cấu trúc giá thành của ngân hàng là chi phí vốn, chi phí hoạt động và chi phí quản lý rủi ro, các ngân hàng đang siết chi phí hoạt động, thấp hơn rất nhiều so với trước đây, chi phí rủi ro giảm nhiều do nợ xấu giảm nên các ngân hàng dù tăng lãi suất huy động vẫn giữ được lãi suất đầu ra.
Ông Tùng cũng nhấn mạnh, hiện nay, vị thế doanh nghiệp rất cao, nên ngân hàng không dễ dàng tiếp cận. Các ngân hàng cạnh tranh rất cao để có thể cho doanh nghiệp vay. Vì vậy, các ngân hàng sẽ tập trung vào kiểm soát rủi ro và chi phí hoạt động để giữ ổn định lãi suất cho vay.
Nguồn : Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã