Hy vọng khôi phục vùng hồng
Nếu nhiều năm về trước, trái hồng mang lại thu nhập và danh tiếng cho người dân Đà Lạt thì từ năm 2005 trở lại đây, do thu nhập từ cây hồng thấp nên diện tích dần bị thu hẹp. Tính tới thời điểm hiện tại, diện tích hồng trên địa bàn thành phố Đà Lạt còn 324 ha với sản lượng là 4.050 tấn tươi, tập trung ở xã Xuân Trường, Trạm Hành, Xuân Thọ và Phường 10, chủ yếu trồng xen với cây cà phê. Cho tới năm 2010, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA), nghề làm hồng được phục hồi với hai kỹ thuật hồng sấy khô truyền thống và hồng sấy gió. Với giá cả ổn định 120 ngàn đồng/kg hồng sấy khô và 250 ngàn đồng/kg hồng sấy gió, trái hồng Đà Lạt bắt đầu tìm lại được chỗ đứng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc cần làm để người nông dân quay trở lại gắn bó với cây hồng.
Ông Nguyễn Văn Cứ, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt chia sẻ, nhu cầu tiêu thụ hồng sấy trên thị trường hiện nay rất cao nhưng diện tích hồng ngày càng giảm, năng suất cây hồng và chất lượng trái thấp do người dân chưa chú trọng đầu tư phân bón để chăm sóc cũng như tỉa cành tạo tán, ghép cải tạo cho cây hồng. Tỷ lệ hồng tươi được sấy khô còn thấp, chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng thu hoạch, quả tươi lại theo mùa nên thường gặp cảnh “được mùa, mất giá”. Bởi vậy, thành phố quyết gầy dựng lại cây hồng bằng việc xây dựng Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm hồng sấy trên địa bàn xã Xuân Trường và xã Trạm Hành, hai địa phương có diện tích hồng lớn nhất của Đà Lạt. Dự án được triển khai từ năm 2018 tới năm 2020.
Trên cơ sở liên kết 3 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực trồng hồng, sấy và tiêu thụ hồng khô, Ðà Lạt hy vọng xây dựng thành công liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô khi định hình năm 2020 khoảng 125 hộ liên kết, sản lượng khoảng 81 tấn hồng sấy/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn khi chưa thực hiện dự án từ 15-20%.
Trái hồng sấy Đà Lạt sẽ được xây dựng thương hiệu với một quy chuẩn sản xuất an toàn, có truy xuất nguồn gốc và từ đó, nâng cao thu nhập cho người nông dân, mở ra tương lai cho vùng hồng đã từng một thời vang danh của phố núi.
Nông dân là người chủ động liên kết
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm hồng sấy được xây dựng trên cơ sở 3 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực sấy hồng là HTX DVNN Tổng hợp Đất làng - Cầu Đất, HTX Trường Sơn - Cầu Đất và HTX Trường Gia Phát - xã Trạm Hành. Ba HTX trên có tổng diện tích hồng là 120 ha, với 91 thành viên và sản lượng hiện tại là 38 tấn hồng khô/năm.
Ông Mai Xuân Long, Giám đốc HTX Đất Làng cho biết, HTX được thành lập năm 2017 với diện tích hồng là 30 ha. HTX chế biến 27 tấn hồng sấy/năm, trong đó có 20 tấn hồng sấy công nghệ truyền thống và 7 tấn hồng sấy gió. Doanh thu hồng sấy năm 2017 đạt 3,4 tỷ đồng. Tương tự như HTX Đất Làng, các HTX Trường Gia Phát hay Trường Sơn - Cầu Đất đều có diện tích hồng đang thu hoạch, xã viên tự sấy hồng khô bán ra thị trường. Tuy nhiên, hầu hết sản xuất còn nhỏ lẻ, kỹ thuật chưa cao, thị trường bấp bênh, thương hiệu chưa mạnh khiến đầu ra cho trái hồng sấy còn nhiều khó khăn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã