Nghề nuôi tôm nước lợ trong những năm qua gặp nhiều rủi ro, trong đó đáng quan tâm nhất là nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao và dịch bệnh xảy ra làm thiệt hại lớn cho nghề nuôi. Các bệnh có thể kể đến như: hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, bệnh do vi bào tử trùng EHP… Đối với hộ nuôi tôm thì nuôi theo truyền thống, không chịu thay đổi hoặc chưa được tiếp cận quy trình nuôi hiệu quả, đặc biệt là hộ nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm sú và thẻ chân trắng bán thâm canh… Do đó, việc xây dựng được các quy trình nuôi theo các hình thức nuôi khác nhau bằng các giải pháp tổng hợp nhằm giảm thiểu rủi ro, hạ giá thành, nâng cao năng suất. Đồng thời, người nuôi tôm cần đặc biệt chú ý đến yêu cầu thị trường “cần” để tôm nuôi bán được giá tốt. Đấy chính là một trong những giải pháp Tập đoàn Minh Phú đặt ra để nghề nuôi tôm nước lợ hướng đến sự phát triển bền vững.
Theo đánh giá của Tập đoàn Minh Phú, tình hình nuôi tôm và giá tôm nước lợ trong những tháng đầu năm 2018 bị tác động bởi các yếu tố thị trường thế giới do thời tiết lạnh nhiều, các nước như Mỹ, Canada có bão tuyết nên lượng tôm tiêu thụ giảm đáng kể, hàng tồn kho lớn, kéo theo lượng hàng tồn kho ở Nhật Bản, Hàn Quốc, EU cao… Trung Quốc siết chặt xuất khẩu tôm đường tiểu ngạch qua biên giới. Do vậy, tôm từ Ấn Độ, Indonesia… không nhập được đường tiểu ngạch vào Trung Quốc làm hàng tồn kho của các nước này tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, nhu cầu mua tôm của những tháng đầu năm thường thấp và khách hàng có tâm lý đợi giá tôm giảm “đến giá đáy” mới mua vào.
Tập đoàn Minh Phú chỉ rõ nguyên nhân giá tôm bị giảm là do các nước Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippin, Việt Nam… đang vào vụ thu hoạch, người nuôi tôm muốn bán được tôm và các nhà máy chế biến cũng muốn bán được hàng nên giá tôm trên thị trường giảm. Khi bán không được hàng thì người bán tiếp tục giảm giá để bán được hàng và với tình hình như vậy đã tạo ra tâm lý tiếp tục chờ giá giảm, trong đó giá ở các thị trường Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam giảm liên tục, giá nguyên liệu giảm, người nuôi lo giá giảm nữa sẽ lỗ nên thu hoạch sớm.
Trước đây, thường người nuôi sẽ thu hoạch tôm khi đạt size 30 con - 50 con/kg, nhưng đầu năm 2018 với tâm lý bất ổn về giá nên phần lớn người nuôi đã thu hoạch đồng loạt sớm khi tôm nuôi mới đạt size 70 con - 100 con/kg. Với lượng tôm có size nhỏ như vậy làm cho năng suất chế biến ở các nhà máy giảm, dư thừa nguồn cung nguyên liệu dẫn đến áp lực về giá, làm cho giá tôm trong tháng 4 đến đầu tháng 5 giảm hơn 20% và xấp xỉ chạm mốc giảm 30%. Với giá mua tôm nguyên liệu các tháng đầu năm rất rẻ, kích thích tiêu dùng nhưng người nuôi tôm tại các quốc gia như: Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam… bị lỗ và họ treo ao không nuôi tiếp.
Có 3 nguyên nhân ảnh hưởng đến giá tôm nuôi. Thứ nhất là về dư lượng kháng sinh trong tôm nuôi, phần lớn người nông dân đều sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm nên dư lượng kháng sinh tồn dư khi thu hoạch tôm rất cao (với mức bị nhiễm kháng sinh trên 30%), trong khi các thị trường xuất khẩu lớn và nhiều tiềm năng như: Mỹ, Nhật, châu Âu lại kiểm soát rất gắt gao về vấn đề này.
Thứ hai là về màu sắc tôm, hiện nay, các thị trường khi nhập khẩu tôm thì rất ưa chuộng và chú trọng đến màu sắc tôm. Họ cần tôm khi luộc lên có màu đỏ, trong khi các sản phẩm tôm nuôi từ Việt Nam sau khi luộc lên phần lớn có màu hồng nhạt và trắng nên khó đạt yêu cầu của khách hàng. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam so với tôm từ các quốc gia khác. Về vấn đề này, một số quốc gia sử dụng Astaxanthin trộn vào thức ăn để tăng màu sắc cho tôm, hay quy trình nuôi tôm gây tảo tạo màu sắc xám đen cho tôm nuôi khi thu hoạch.
Thứ ba là về size/cỡ tôm khi thu hoạch, người nông dân thường nuôi tôm và chỉ thu hoạch một lần khi tôm đạt kích cỡ 30 con - 50 con/kg. Với cách thức nuôi này, tôm nuôi vừa chậm lớn lại hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường, vì nguồn cung không phù hợp nhu cầu thị trường. Hiện tại, hầu hết các thị trường đều có nhu cầu mạnh ở những size 50 con - 70 con/kg và 70 con - 100 con/kg (nhất là châu Âu và thị trường Nhật Bản), do vậy nếu chỉ nuôi 1 size thì rất khó cạnh tranh và khó tìm kiếm khách hàng.
Tập đoàn Minh Phú nêu giải pháp để tăng hiệu quả trong nuôi tôm là cần áp dụng tiêu chí “4 sạch”, như: con giống sạch bệnh; nguồn nước nuôi sạch; sạch kháng sinh, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tôm bán được giá cao hơn, phát triển ổn định và bền vững; sạch môi trường, nước nuôi tôm được lấy nước biển có độ mặn từ 25‰ trở lên, nước nuôi tôm được tái sử dụng qua hệ thống lọc tự nhiên, kết hợp với máy lọc màng, bùn thải xiphong từ đáy ao được xử lý, biogas và bùn thải cuối cùng được sử dụng nuôi ruồi lính đen để làm thức ăn cho tôm hoặc để sản xuất bột đạm để làm thức ăn cho tôm và thức ăn gia súc…
Với các đánh giá về thị trường cũng như một số giải pháp nuôi tôm Tập đoàn Minh Phú chia sẻ, mong rằng bà con nông dân gắn bó cùng con tôm nước lợ ở Sóc Trăng học tập kinh nghiệm áp dụng vào quy trình canh tác tôm nuôi tại hộ, mang đến vụ mùa bội thu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã