Liên kết giữa các tác nhân là yếu tố quan trọng để hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây đặc sản của tỉnh Bến Tre.
Để sản phẩm trái cây đặc sản của tỉnh được tiêu thụ rộng rãi, đầu ra ổn định, thương hiệu được vươn xa tỉnh Bến Tre đang dần từng bước nâng cao chuỗi giá trị cho các loại cây ăn quả chủ lực, qua đó tăng thu nhập cho người dân, tăng giá trị kinh tế của các loại quả đặc sản và có đầu ra ổn định.
Đóng gói bưởi da xanh tại cơ sở Hương miền Tây (Bến Tre). Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Bến Tre là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích cây ăn quả lớn với 28.346 ha. Trong 12 chủng loại cây ăn quả đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là có tiềm năng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực thì tỉnh Bến Tre có gần như đầy đủ 12 chủng loại cây ăn quả này.
Sản xuất cây ăn quả ở Bến Tre có nhiều thuận lợi về điều kiện đất đai, thời tiết thích hợp cho sự phát triển của nhiều loại cây ăn quả nhiệt đới; trong đó có các loại cây ăn quả chất lượng cao: bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, sầu riêng,... được thị trường trong nước và ngoài nước ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.
Đây cũng là nhóm cây ăn quả đặc sản của tỉnh và được quy hoạch phát triển, ổn định sản xuất đến năm 2020.
Các vùng trồng cây ăn quả đặc sản tập trung ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Chợ Lách, Bình Đại và thành phố Bến Tre. Năng suất, sản lượng cây ăn quả tăng trưởng mạnh, riêng năm 2017, sản lượng cây ăn quả của tỉnh đạt 334.700 tấn.
Đáng chú ý, các loại cây ăn quả đặc sản chiếm 67,8% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh; trong đó, bưởi da xanh có tỉ lệ trồng cao nhất (chiếm 20,6%), chôm chôm chiếm 20,1%, nhãn 14,4%, sầu riêng 6,7%,...
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có hơn 260 ha cây ăn quả đạt chứng nhận GAP (VietGAP/GlobalGAP) bao gồm chôm chôm (114,14ha), nhãn (47,26ha), bưởi da xanh (32,87ha), sầu riêng (27,46ha),... So với tổng diện tích cây ăn trái của toàn tỉnh thì diện tích đạt chứng nhận GAP chiếm tỷ lệ rất thấp, chưa đến 1%.
Phần lớn lượng trái cây của tỉnh được tiêu thụ dưới dạng tươi ở thị trường nội địa (chiếm 85 - 90%), xuất khẩu tươi chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng hàng năm, trái cây chế biến chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Việc tiêu thụ phải qua nhiều khâu trung gian, hệ thống lưu thông phân phối trái cây ở thị trường nội địa đã hình thành nhưng phân bố chưa hợp lý và rộng khắp, gây nên tình trạng thừa thiếu cục bộ, lúc chính vụ thì rớt giá, khi nghịch vụ thì giá cả tăng cao.
Hiện nay, xu hướng phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp được bắt đầu từ thị trường tiêu thụ sản phẩm đến công nghệ chế biến, bố trí, tổ chức sản xuất phù hợp theo tín hiệu thị trường.
Bến Tre hiện có tổng cộng 15 mã số (2 mã nhãn, 13 mã chôm chôm) vùng trồng. Ở Bến Tre có 3 doanh nghiệp có xây dựng quy trình vùng trồng. Nhãn và chôm chôm được xuất đi thị trường Hoa Kỳ, đây là dấu hiệu tốt cho người dân.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, mã số vùng trồng cấp cho các diện tích canh tác theo quy trình VietGAP (có thể không cần chứng nhận) hoặc GlobalGAP nhưng phải tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu.
Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.
Nhà vườn Bến Tre liên kết với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm bưởi da xanh. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Thời gian qua, Bến Tre khuyến khích các mô hình trồng cây ăn quả đặc sản theo hướng an toàn được chứng nhận GAP, sử dụng giống có chất lượng tốt và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, kích cỡ đồng đều, sản lượng lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện Cây ăn quả miền Nam, trái cây của Bến Tre có chất lượng ngon, diện tích trồng tương đối tập trung, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng trái và mẫu mã không đồng đều, chưa bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây là những rào cản làm hạn chế khả năng cạnh tranh của trái cây Bên Tre.
Chính vì vậy, việc tổ chức lại sản xuất, cải thiện và quản lý chất lượng sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ là cần thiết trong tình hình hiện nay.
Bến Tre đã hình thành những cơ sở đóng gói trái cây có quy mô tương đối lớn như: Hương Miền Tây, Chánh Thu, Hoàng Quý,...nhằm thu mua tiêu thụ trái cây tươi. Hiện nay, nhu cầu thị trường về các loại trái cây sạch rất lớn.
Tuy nhiên, nguồn cung cấp trái cây sạch của tỉnh không nhiều. Để việc tiêu thụ trái cây được thuận lợi, trong thời gian tới cần phải tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng trái cây, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Các sản phẩm trái cây cần sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Ông Đàm Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hương Miền Tây cho biết, công ty sẽ định hướng cho nông dân sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường.
Nhu cầu của thị trường cần gì, doanh nghiệp định hướng cho nông dân sản xuất, không nên sản xuất theo ý thích. Ông Hưng cũng cho biết khoảng 4 năm gần đây, bưởi da xanh loại 1 tiêu thụ chậm nhưng bưởi loại 2, 3 và 4 tiêu thụ rất nhanh vì loại 1 không xuất khẩu được.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay Việt Nam đã thực hiện cam kết tự do hóa thương mại.
Việt Nam đã mở cửa thị trường nhập khẩu các nông sản hàng hóa không có thế mạnh, đồng thời tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh. Hội nhập mang lại những cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, song cũng hàm chứa những rào cản, thách thức gay gắt.
Để bảo đảm tiêu chuẩn khi xuất khẩu nông sản, người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn nhằm nâng cao chất lượng nông sản,... Các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất và xúc tiến thương mại.
Trước hết doanh nghiệp phải bỏ thói quen thương mại theo kiểu ngẫu nhiên, chỉ tập trung vào sản xuất, tìm đối tác xuất khẩu và không kiểm soát chất lượng nguồn gốc nông sản.
Để làm được việc này, doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi liên kết hoàn chỉnh, khép kín, liên kết với hộ nông dân, hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch bảo đảm chất lượng./.
Xem thêm:
>>>Nâng cao chuỗi giá trị trái cây đặc sản - Bài 1: Liên kết sản xuất là khâu quan trọng
>>>Nông dân Mỹ lo ngại về tác động của xung khắc thương mại Mỹ - Trung
Trần Thị Thu Hiền/TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã