Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Ả rập Xê út đã giảm tới 60,2% so với cùng kỳ năm 2017, với giá trị kim ngạch chỉ đạt 10,6 triệu USD.
Điều đáng báo động là, con số này liên tục giảm từ năm 2017 đến nay khiến từ một thị trường số 1 về nhập khẩu cá tra Việt Nam tại khu vực Trung Đông, Ả rập Xê út đã tụt xuống vị trí thứ ba, sau Ai Cập và Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Xuất khẩu cá tra sang Ả rập Xê út giảm tới 60% so với cùng kỳ năm 2017. Ảnh: I.T.
Nguyên nhân của tình trạng này là do, cuối tháng 1/2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Vương quốc Ả rập Xê ut (SFDA) đã ban hành Chỉ thị 21174 về việc tạm đình chỉ nhập khẩu (NK) các sản phẩm cá, giáp xác và các sản phẩm thủy sản khác từ Việt Nam. Lý do của việc tạm đình chỉ này được đưa ra căn cứ vào "Báo cáo quý về tình hình dịch bệnh thủy sản khu vực Thái Bình Dương" của Tổ chức OIE và trên kết quả chuyến công tác của SFDA tại Việt Nam vào cuối năm 2017. Theo VASEP việc đình chỉ NK thủy sản từ Việt Nam không chỉ gây bất ngờ cho Cơ quan thẩm quyền và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mà đã gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động XK sang thị trường lớn tại Trung Đông này.
Đó là chưa kể, mới đây, lại có thêm một rào cản mới, gây khó cho con cá tra trên đường sang thị trường này.
Mới nhất, sau khi Đoàn thanh tra của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Vương quốc Ảrập Xêut (SFDA) thanh tra tại Việt Nam, SFDA yêu cầu phía Việt Nam phê chuẩn "Chương trình chăn nuôi Halal", các lô hàng thủy sản XK sang thị trường Ảrập Xêut phải kèm theo Giấy chứng nhận Halal theo mẫu. Thậm chí thức ăn thủy sản sử dụng tại các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi trồng phải đáp ứng yêu cầu thức ăn Halal. Tuy nhiên, hiện nay, việc chứng nhận này tại Việt nam còn gặp rất nhiều khó khăn và mới chỉ thực hiện việc chứng nhận cho các DN chế biến thủy sản và sản phẩm Halal của các doanh nghiệp này.
Đối với cơ sở nuôi, sản xuất giống, SFDA yêu cầu cơ sở sản xuất giống phải có chứng nhận ASC hoặc GAP, cơ sở nuôi phải có chứng nhận ASC, GlobalGAP hoặc GMP. Đây là yêu cầu sẽ phát sinh thêm chi phí, nguồn lực, thời gian để đáp ứng. Những quy định này sẽ gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Trong bối cảnh các thị trường truyền thống như Mỹ, EU và một số thị trường khác đang gặp khó khăn, hiện nay, Trung Quốc được coi là cứu cánh cho con cá tra Việt Nam.
Thống kê của VASEP cho thấy, trong 5 năm gần đây, XK cá tra sang Trung Quốc luôn tăng trưởng mạnh, với mức tăng từ 21 - 31%/năm. Trong năm nay, tính từ đầu năm đến giữa tháng 5, XK cá tra sang Trung Quốc đã đạt 174,268 triệu USD. Với giá trị như trên, cá tra đang là mặt hàng thủy sản có giá trị XK lớn nhất sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo VASEP, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do một số quy định từ phía Trung Quốc. Ví dụ, trong khi EU quy định dư lượng photphat không vượt quá 4% là đạt yêu cầu thì Trung Quốc lại quy định cứ phát hiện còn tồn dư photphat là không đạt tiêu chuẩn.
Đó là chưa kể, việc không kiểm soát chặt xuất khẩu cá tra qua đường tiểu ngạch cũng ảnh hưởng đến uy tín của cá tra Việt Nam.
Theo P.V (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã