Người sản xuất chủ động tìm kiếm bạn hàng, thỏa thuận giá bán và ký hợp đồng trực tiếp với người mua nhằm có được kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả là những ưu điểm nổi bật nhất khi tham gia vào sàn giao dịch nông sản. Hoạt động bán hàng cũng sẽ thuận lợi hơn bởi được kết nối với các thị trường nhập khẩu quốc tế.
Thực tế, ở Việt Nam đã có một số sàn giao dịch một số loại nông sản chủ lực như: Sàn giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột; Sàn giao dịch điều Bình Phước; Trung tâm giao dịch thủy sản Cần Giờ… được đưa vào hoạt động, tuy nhiên không đem lại hiệu quả như mong muốn và đã ngừng giao dịch.
Nguyên nhân chính, theo các chuyên gia kinh tế, chính là tâm lý mua bán, giao dịch của người dân vẫn theo cách “tiền trao tay” nên rất ngại thay đổi theo mô hình mới. Sản phẩm làm ra, thương lái hay doanh nghiệp đến mua, được giá là bán, người dân không biết, thậm chí là không muốn sử dụng những phương pháp kinh doanh hiện đại hơn, mặc dù họ biết có thể bị ép giá và thiệt thòi rất nhiều khi bán tại ruộng, tại vườn.
Tuy nhiên, bỏ qua tâm lý và tập quán mua bán vốn có của người sản xuất thì nguyên nhân cần phải nhắc đến khiến sàn giao dịch nông sản không được chào đón chính là hoạt động thương mại này vẫn còn nhiều khoảng trống về pháp lý, nhiều quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế, nên việc giao dịch không thuận lợi.
Một khó khăn nữa trong việc thành lập và duy trì sàn giao dịch nông sản, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, chính là chưa kiểm soát được chất lượng hàng hóa, bởi người tiêu dùng không thể tự kiểm tra chất này, chất kia trong sản phẩm.
Để tạo đầu mối chung trong việc giao dịch cao su của người dân và doanh nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) có kế hoạch thành lập sàn giao dịch cao su. Nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý cũng đã lên tiếng cần có ngay một sàn giao dịch nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long, giúp người nông dân sản xuất hàng hóa đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng được mùa mất giá.
Đồng quan điểm, Ông Lê Vĩnh Tân- Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương- rất ủng hộ việc thành lập sàn giao dịch hàng hóa nông sản ở ĐBSCL, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, bởi đây là định hướng cho người sản xuất chủ động tiếp cận thông tin thị trường, sản xuất và bán những cái thị trường cần.
Tại phiên thảo luận về giải pháp tiêu thụ nông sản trong khuôn khổ diễn đàn “Mekong Connect Ceo Forum 2015” vừa được tổ chức đầu tháng 9/2015, ông Nguyễn Minh Toại- Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ- đề xuất: Để giải quyết khó khăn và thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo, nên thí điểm lập sàn giao dịch cho mặt hàng gạo. Người nông dân sẽ tập hợp lại, sản xuất theo cùng một quy trình, đồng nhất về chất lượng, truy xuất được nguồn gốc và sản phẩm sẽ được bán khi giá bán “khớp lệnh” với giá chào mua.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Để có được sàn giao dịch nông sản thì sản phẩm phải đạt được tiêu chuẩn về chất lượng, phải có lượng hàng hóa đủ sức cạnh tranh và đặc biệt cần có “luật chơi” rõ ràng. |
Thùy Linh
theo http://baocongthuong.com.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã