Đừng ngồi “đếm cua trong hang”
Ông Phạm Quang Niệm – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga cho biết, tất cả những mặt hàng nông sản của Việt Nam như rau, củ, quả, thực phẩm chế biến, sản phẩm thịt… đều có thế mạnh và có thể mở rộng được nhanh chóng thị phần tại Nga. Ông Niệm kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiến vào thị trường Nga. Các tỉnh của Việt Nam có thể kết nối ngay với các tỉnh và thành phố của Nga để đẩy mạnh xuất khẩu.
Sau khi Việt Nam và Liên bang Nga đạt được thỏa thuận cụ thể trong việc Việt Nam xuất khẩu hàng nông thủy sản, thực phẩm chế biến sang Nga, các chuyên gia đã khuyến cáo: Các cơ quan chức năng và cả doanh nghiệp Việt Nam “đừng ngồi đếm cua trong hang”, mà hãy bắt tay ngay vào công việc thực tế- đó là tìm giải pháp để hàng nông sản Việt có mặt tại Nga.
Ông Trần Ngọc Quân- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, tình hình chính trị giữa Nga và các nước phương Tây căng thẳng dẫn tới việc Nga cấm nhập khẩu nông sản và thực phẩm từ các nước này.
Trong khi đó, Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Hải quan (Nga, Belarus và Kazakhstan), dự kiến có thể kết thúc trong năm nay. Như vậy, theo ông Quân, ít nhất 80% hàng hóa Việt Nam vào đây sẽ được miễn thuế.
“Chúng ta đang có một thị trường rộng lớn lên tới 200 triệu dân theo FTA liên minh hải quan để mở rộng xuất khẩu nông sản”-ông Quân cho biết.
Đảm bảo tiêu chuẩn là có thể xuất khẩu
Thực tế, thị trường Nga không quá khó tính và rất phù hợp với sản xuất nông sản hàng hóa trong nước. Đứng đầu các mặt hàng có triển vọng xuất khẩu sang Nga chính là thủy sản. Ưu đãi thuế và sức tiêu thụ “khủng” đang là sức hút của thủy sản vào Nga.
Nga đã dỡ bỏ lệnh tạm cấm nhập khẩu thủy sản của 7 công ty Việt Nam, trong đó có 5 công ty sản xuất cá tra và 2 công ty sản xuất tôm đông lạnh. Và mới đây thêm 3 doanh nghiệp thủy sản nữa được đưa vào danh sách này. Nga cấm nhập khẩu thủy sản từ Hoa Kỳ, EU, Na Uy, Canada và Australia trong vòng 1 năm từ ngày 7.8.2014 đã tạo thêm nhiều cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam.
Trong đó, cá tra có cơ hội tốt nhất để trở lại thị trường Nga, thay cho sản phẩm cá thịt trắng mà người tiêu dùng Nga vốn ưa chuộng, nay bị hạn chế do lệnh cấm của Nga. Ngay lúc này, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có thể chủ động tiếp cận các nhà mua hàng Nga để chào bán sản phẩm thủy sản của mình.
Mặt hàng lợi thế thứ hai là rau củ quả. Theo ông Dương Hải An - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga, các doanh nghiệp xuất khẩu rau, củ, quả Việt Nam chỉ cần đảm bảo chất lượng là có thể xuất sản phẩm vào thị trường Nga. Nếu đầu tư bảo quản tốt thì dù xa xôi, hàng rau củ quả tươi của ta vẫn có “chân” tại Nga.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, các mặt hàng nông sản của Việt Nam như thủy hải sản, cà phê, gạo, trái cây… đã được biết đến nhiều tại Nga. Do vậy với sức nhập khẩu khoảng 5,5 tỷ USD trái cây, 15 tỷ USD hàng thủy sản, một lượng lớn thịt và gia cầm thì hàng nông sản của Việt Nam không thể nói là thiếu cơ hội.
Các chuyên gia cũng nêu rằng, khủng hoảng giữa Nga và các nước phương Tây khó có thể giải quyết sớm. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chớp lấy thời cơ này để đưa hàng hóa vào Nga. Cung cấp đủ, đúng, kịp thời sẽ là “chìa khóa vàng” cho những doanh nghiệp nào muốn khai phá thị trường Nga. Và mặc dù lúc này đang đón đầu cơ hội xuất khẩu hàng nông thủy sản sang Nga song các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý thêm, các bộ, ngành cũng cần có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã