Ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Hoa Anh Đào (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đang trăn trở để tìm đầu ra cho hàng trăm tấn rau sạch hữu cơ, được gieo trồng chăm sóc theo phương pháp nhà kính của Israel.
Trước đó, để đầu tư cho mỗi ha trồng rau sạch theo phương pháp mới, Hoa Anh Đào đã phải bỏ ra khoảng 7 tỷ đồng/ha. Và bù lại, thay vì rau cho năng suất trung bình khoảng hơn 1 tấn/sào/vụ như trước kia, do được đầu tư chăm sóc tốt, nay mỗi vụ thu hoạch có thể cho đến 18 – 20 tấn/sào.
Không chỉ cho năng suất vượt trội mà chất lượng sản phẩm rau sạch hữu cơ của hợp tác xã sản xuất ra rất đảm bảo... Tuy nhiên, niềm vui này lại không song hành với hiệu quả thu về, bởi thị trường còn hạn hẹp, và lượng tiêu thụ còn hạn chế, không như sự mong đợi của DN.
“Trung bình hàng năm, Hoa Anh Đào sản xuất 50.000 tấn rau theo tiêu chuẩn VietGap, 200 tấn rau hữu cơ để bán ra thị trường thông qua việc kết nối với hệ thống siêu thị. Nhưng thực tế, việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm khá vất vả trong thời gian qua, đòi hỏi HTX phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để tiếp cận được gần hơn với người dùng và phát triển thị trường” – ông Thừa nói.
Một số HTX, DN trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cho biết, hiện nay làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần đầu tư lớn, tạo ra năng suất chất lượng cao, nhưng thành quả thu về chưa tương xứng.
Giải thích cho vấn đề này, Giám đốc phát triển thị trường của một DN chuyên phân phối rau sạch cho rằng, ngoài yếu tố về giá cả chênh lệch lớn (gấp 1/3 so với sản phẩm thông thường) nên khó tiêu thụ, thì việc chưa xây dựng được thương hiệu, kênh phân phối cũng như thói quen của người tiêu dùng chính là trở ngại khiến cho nhiều sản phẩm loại này trong nước vẫn đang bế tắc ở khâu đầu ra, dù cho chất lượng không thua kém hàng ngoại.
Rõ ràng, để tìm kiếm sản phẩm, cửa hàng rau sạch hữu cơ là không phải dễ, thậm chí ngay tại những thành phố lớn. Đó là chưa nói đến khâu quản lý thị trường hiện nay còn lỏng lẻo dẫn đến thật giả lẫn lộn, nên nhiều khi rau quả, thực phẩm trưng “mác” an toàn 100%, mà người tiêu dùng vẫn hoang mang.
Ngoài ra, thói quen dễ dãi trong cách lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng, cũng khiến cho những loại rau được trồng theo tiêu chuẩn, công nghệ khoa học một cách bài bản lại chịu “lép vế”.
Mặc dù vậy, không thể đổ lỗi cho người tiêu dùng. Ông Thừa cho rằng, trước tiên các DN hoạt động sản xuất trong lĩnh vực này cần nâng cao tư duy và năng lực thương mại trong tiếp cận thị trường.
Theo một chuyên gia của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt thì sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao càng cần chú trọng đến khâu xúc tiến thương mại. Bởi, tất cả đều nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao năng suất, chất lượng, cho ra đời những sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.
Sản phẩm có được thị trường chấp nhận, giá trị thương phẩm cao thì lợi ích kinh tế thu về cho người sản xuất kinh doanh mới lớn. Và khi đã tạo được giá trị thương phẩm tốt rồi, thì các DN cũng sẽ có nguồn lực để đầu tư trở lại sản xuất.
Nhật Minh (Thời Báo Ngân hàng)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã