Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành NN-PTNT năm 2014 giữa Bộ NN-PTNT và các tỉnh, thành trên cả nước diễn ra hôm qua (25/12), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã dành nhiều thời gian đánh giá, nhận xét, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp chỉ đạo căn cơ cho toàn ngành trong năm 2015 và các năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì hội nghị
Sau đây là nội dung chính phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
XK tăng chưa từng có
Cả ngành nông nghiệp đã phải gồng mình suốt giai đoạn 2011-2013, đến năm nay đã gặt hái được những kết quả rất quan trọng. SX nông nghiệp tăng trưởng trở lại, chặn đứng được đà suy giảm của giai đoạn 2011-2013 với tốc độ tăng trưởng trên 3,3%.
Chuyển dịch cơ cấu trong ngành đã theo hướng tích cực, đặc biệt XK nông sản tăng chưa từng có với mức tăng 11,2%, đạt trên 30 tỉ USD, trong đó nhiều sản phẩm chủ lực XK tăng vượt bậc như thủy sản đạt gần 8 tỉ USD.
Lâm nghiệp năm nay cũng đã vượt lên, XK đạt trên 7,5 tỉ USD (so với 6,5 tỉ USD năm 2013), trong khi chúng ta vẫn thực hiện tốt chính sách phát triển bảo vệ rừng, tỉ lệ che phủ rừng vẫn tăng mạnh.
Thủy lợi mặc dù kinh phí khó khăn nhưng đã dồn sức được cho công tác đê điều, hồ chứa, đặc biệt tăng được diện tích tưới tiết kiệm trên 81 nghìn ha.
Bên cạnh đó, tỉ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp tăng rất nhanh. Trước đây, đây là việc rất khó khăn, nhưng hiện đã đạt cơ giới hóa tới 92% khâu làm đất, 45% khâu thu hoạch (ĐBSCL là 76%), sấy chủ động đạt 55%, cơ giới hóa chăn nuôi đã đạt 37%... Tình hình thu hút DN vào lĩnh vực chế biến mặc dù chưa thật hài lòng nhưng đã tăng mạnh.
Chương trình MTQG xây dựng NTM có thể nói đã thay đổi sâu sắc nhận thức trong toàn bộ khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nhờ đó, dân đã rất chủ động, tích cực và tự giác tham gia. Các địa phương xây dựng NTM rất sáng tạo, có nhiều cách làm đa dạng, đặc biệt là vấn đề huy động vốn, nguồn lực của nhân dân. Ở nông thôn bây giờ nhiều vùng còn sướng hơn đô thị, bởi môi trường sạch đẹp, đường sá tốt, cấp nước tốt, thậm chí cấp được cả nước sạch tới từng gia đình…
Công tác ứng phó thiên tai năm 2014 cũng như các năm gần đây càng ngày càng hiệu quả, trong đó Bộ NN-PTNT và các địa phương đều phát huy vai trò to lớn, có trách nhiệm cao với nhân dân.
Bộ NN-PTNT cũng đã có nhiều chương trình, đề án đối phó với siêu bão, quản lí thiên tai… Số người thiệt hại vì thiên tai từ chỗ bình quân 500 người/năm đã giảm rất mạnh. Việc xây dựng văn bản pháp luật, đề xuất các chính sách trong ngành NN-PTNT rất chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhờ có sự tham gia của địa phương.
Có thể nói, kết quả của ngành nông nghiệp trong năm 2014 nói riêng và những năm gần đây nói chung là rất toàn diện. Đó là nỗ lực đóng góp của toàn ngành, đặc biệt vai trò chỉ đạo, điều hành của Bộ NN-PTNT. Thành quả của ngành trong năm nay là tiền đề vô cùng quan trọng giúp chúng ta bước sang giai đoạn 5 năm 2016-2020.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi xin biểu dương toàn thể ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT và bà con nông dân trong năm 2014!
Còn nhiều nỗi lo
Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra là khoảng 3,5-3,6%. Thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn thấp. Với hơn 10 triệu ha đất nông nghiệp hiện nay, nếu tính ra bình quân giá trị chỉ được 3.100 USD/ha/năm (trên 60 triệu đồng), trong đó trồng trọt chỉ được khoảng 82 triệu đồng/ha/năm; thủy sản được 168 triệu đồng/ha/năm.
Dù giá trị SX này đã tăng cao hơn nhiều so với những năm trước, tuy nhiên nếu so với nhiều nước thì giá trị SX/ha của ta vẫn còn rất thấp. Đài Loan hiện đạt giá trị SX hơn 12 nghìn USD/ha/năm, Hà Lan tới 40 nghìn USD/ha/năm, nhiều nước tới 2 triệu USD/ha/năm.
Nông dân của ta hiện khoảng 47 triệu người, tính ra bình quân thu nhập chỉ khoảng 25-26 triệu đồng/người/năm.
Về công tác ứng dụng KH-CN trong nông nghiệp, đây là vấn đề chưa đạt thực sự hiệu quả, chưa tạo được động lực cho ngành phát triển. Sự kết nối giữa nông dân, DN với viện nghiên cứu, nhà khoa học vẫn còn lỏng lẻo.
Một số mô hình đã hiệu quả, nhưng cơ bản vẫn chưa ổn và sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm, phải tiếp tục đổi mới. Đơn cử như hiệu quả sử dụng phân đạm mới chỉ có 40-50%, phân lân chỉ 10-20%, rất lãng phí.
Trong khi đó việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, vừa tiết kiệm phân bón, vừa tăng năng suất lại chậm áp dụng. Hay như việc chúng ta vẫn đang NK hơn 200 triệu USD/năm tiền giống lúa, điều này cho thấy vẫn thiếu các chủng loại giống có năng suất, chất lượng cao…
Ở đây rõ ràng KH-CN chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thách thức năm 2015
Năm 2015, tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên phục hồi chậm. XK nông sản năm 2014 đã trên 30 tỉ USD, nhưng vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển. Việc biến động giá dầu hiện nay cũng sẽ có tác dụng hai chiều, rất có thể sẽ tác động rấ
t xấu tới thị trường chung, tình hình bất ổn ở Đông Âu, Trung Đông cũng là yếu tố cần hết sức phải lưu ý.
Chế biến cá tra xuất khẩu
Nhiều hiệp định thương mại chúng ta đang triển khai, thị trường mở ra rất lớn trong năm tới, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải nỗ lực để vươn ra các thị trường mới.
Vấn đề này Bộ NN-PTNT cũng đã triển khai từ năm 2014, đặc biệt là thị trường Đông Âu, EU, đàm phán TPP...
Hội nhập sẽ vừa thu được lợi, nhưng cũng sẽ trả giá nếu không nỗ lực giành lại lợi ích của mình, và sự trả giá lúc ấy sẽ là vô ích, đặc biệt chúng ta đi sau trong hội nhập nên xác suất thành công rất thấp. Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Công thương phải cùng nhau giải quyết các rào cản kỹ thuật khi mở ra thị trường.
Trong nước, mặc dù kinh tế có phục hồi nhưng tổng cầu xã hội nhìn chung vẫn thấp. Tuy nhiên, đáng mừng là lòng tin người tiêu dùng đang có xu hướng tăng trở lại với mức 63%. Điều này hứa hẹn tổng cầu sẽ tăng. Lòng tin tiêu dùng trong năm 2014 cũng đã có tác động lớn tới tăng trưởng của ngành, và đây là điều phải duy trì trong năm tới.
Năm 2015, Chính phủ đã cam kết tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô. Thống đốc Ngân hàng đã cam kết duy trì ổn định tỉ giá, tập trung tháo gỡ SX kinh doanh, đây là điều hết sức quan trọng cho DN và môi trường kinh doanh của ngành nông nghiệp nói riêng. Vì vậy, năm tới, ngành nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lí ngành.
DN trong nông nghiệp hiện còn rất ít, cần phải tháo gỡ cơ chế, bởi khối DN không phát triển được thì ngành nông nghiệp rất gay go. Ba năm vừa qua, tác động trái chiều vào DN còn rất lớn, chúng ta có tới gần 150 nghìn DN ngừng hoạt động và giải thể, trong đó có nhiều DN nông nghiệp.
Vì vậy, phải tạo điều kiện tốt nhất để DN quay lại bằng cách tăng cường cải cách hành chính, điều kiện tiếp cận ngân hàng. Chúng ta đang yếu về áp dụng KH-CN, và nếu thiếu DN thì sẽ càng yếu.
Tại cuộc họp trực tuyến hôm qua, NNVN đã ghi lại ý kiến của lãnh đạo nhiều địa phương về tình hình nông nghiệp, nông thôn trong năm 2014, đặc biệt là các chính sách vay vốn, thu hút đầu tư của DN, chính sách đóng tàu đánh bắt xa bờ, vấn đề vực dậy vai trò HTX… Bà Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: "Về nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp, chúng tôi tiến hành quy hoạch trên các lĩnh vực, chuỗi mà tỉnh có thế mạnh. Trong đó, tập trung mạnh cho XK cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai: "Mới đây tỉnh đón nhận tín hiệu vui trong lĩnh vực nông nghiệp khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có dự án đầu tư 11.000 tỷ đồng nuôi bò sữa và bò thịt. Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh Nguyễn Hữu Giang: "Năm 2014 các chỉ tiêu về nông nghiệp của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, khai thác xa bờ tăng 70 tàu, phê duyệt 31/37 tàu xa bờ, giảm 2.000 tàu đánh bắt gần bờ. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt: "Hà Lan 1 ha đất họ tạo ra giá trị rất cao, nên bây giờ chúng ta phải xác định lấy chất lượng làm trọng tâm chứ không phải chạy theo số lượng như trước kia. NGUYÊN HUÂN |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã